Hơn 2 triệu học sinh Thủ đô bước vào năm học mới: Nỗ lực giảm trái tuyến, chống lạm thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày mai (5-9), 2.110.600 học sinh Thủ đô bắt đầu bước vào năm học 2020 – 2021. Mục tiêu của năm học này là giảm tải trường học, giảm trái tuyến và chống lạm thu.

Năm học mới 2020-2021, thành phố Hà Nội có thêm 44 trường mới, đồng thời số học sinh cũng tăng 67.594 em so với năm học trước. Để chuẩn bị cho năm học mới 2020 - 2021, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư xây mới 38 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 1.928,7 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội đã cấp 804.733 triệu đồng mua sắm trang, thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới.

Một trong điểm đáng chú ý của năm học này là việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học. Lần đầu tiên, các thầy, cô giáo bậc tiểu học được giao quyền nghiên cứu, thành lập hội đồng nhà trường để đưa ra lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp nhất với thực tế giảng dạy của trường.

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm cho biết, để chọn được những cuốn sách phù hợp, nhà trường đã tổ chức cho toàn bộ giáo viên đọc và so sánh cả năm bộ sách mới, từ đó phân tích và thống nhất lựa chọn sách từ ba bộ sách của ba nhà xuất bản khác nhau.

“Với những thay đổi lớn về chương trình và sách giáo khoa lớp 1, điều trường đặc biệt chú trọng là công tác tập huấn cho giáo viên. Các môn học đều được “chạy” thử để các tổ chuyên môn chia sẻ, rút kinh nghiệm, cũng như nhận biết cách giảng dạy theo phương pháp, yêu cầu mới.

Công việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, hiện toàn bộ giáo viên của trường đều đã tập huấn xong và cũng không có vướng mắc gì trong triển khai giảng dạy” – bà Trần Thị Bích Liên cho biết.

Với bậc THCS, THPT, năm học này có điều chỉnh mạnh về nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đó, ngành giáo dục đã tinh giản nhiều nội dung dạy học của 10 môn học, gồm: Toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Việc điều chỉnh được thực hiện với nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.

Năm học 2020-2021, Hà Nội đặc biệt chú ý tới việc thắt chặt số lượng học sinh trái tuyến. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kết quả tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6, năm học này đã đạt được mục tiêu đề ra là số học sinh trái tuyến giảm nhiều, số học sinh lớp 1 tuyển sinh trái tuyến còn 1,8%, số học sinh lớp 6 thuộc diện trái tuyển còn 2,6%.

“Tỷ lệ tuyển sinh trái tuyến giảm là tín hiệu vui để giảm sĩ số trong nhà trường, tạo điều kiện cân bằng về học sinh giữa các đơn vị” - ông Chử Xuân Dũng nói thêm.

Bước vào năm học mới, một trong những điểm được đặc biệt nhấn mạnh với các trường là không để xảy ra tình trạng lạm thi. Để tránh những bức xúc xung quanh các khoản thu ngoài quy định, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Các khoản không được thu bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

“Các đơn vị tập trung chỉ đạo hướng dẫn thu chi đầu năm, tuyệt đối không để lạm thu đầu năm, nếu có trường hợp lạm thu xảy ra đề nghị các địa phương xử lý quyết liệt”- Giám đốc Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.