Hơn 100 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong số các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, có 21 nhà máy xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, 103 nhà máy phải tạm đóng cửa.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất khẩu thủy sản, sụt giảm đáng kể ở nửa cuối tháng 7.

Trong nửa đầu tháng 7, xuất khẩu thủy sản tăng 16% nhưng nửa cuối tháng 7 đã bị sụt giảm đáng kể, dao động từ 15 - 20%. Tính chung toàn tháng 7, xuất khẩu thủy sản giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020 với 763 triệu USD. Cụ thể, xuất khẩu tôm giảm 4%; cá tra và cá ngừ giảm 7%; mực và bạch tuộc giảm 9%; cua, ghẹ giảm 3%, các loại cá khác đều giảm khoảng 2%.

Cũng theo VASEP, ở các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất.

103 nhà máy chế biến thủy hải sản ở phía Nam phải đóng cửa vì Covid-19

103 nhà máy chế biến thủy hải sản ở phía Nam phải đóng cửa vì Covid-19

Nhưng ở các nhà máy này cũng chỉ huy động được 30 - 50% công nhân đi làm khiến công suất chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với trước đây. Công suất chung của 19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạt 30 - 40% so với trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng chính phủ, cho biết trong số các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội đã có 21 nhà máy xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, 103 nhà máy phải tạm đóng cửa, chỉ có 82 nhà máy áp dụng được “3 tại chỗ”. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu.

Tổ công tác 970 cũng dự báo, 6 tháng cuối năm, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh.

Nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng do dịch bệnh phức tạp, nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách, việc thu hoạch, sản xuất bị ảnh hưởng nên công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%; trong khi đó, xuất khẩu rau quả 6 tháng cuối năm có thể giảm 30% do vùng nguyên liệu không được chăm sóc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu để những nhà máy chế biến thủy sản, chế biến gỗ, trái cây phải đóng cửa thì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí làm đứt gãy chu kỳ sản xuất.

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ, các địa phương quan tâm tạo điều kiện tiêm vaccine cho lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản, trái cây, các nhà máy giết mổ để không làm đứt gãy nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

VASEP cũng cho rằng, với thực tế khó khăn hiện nay, xuất thủy sản nửa cuối năm 2021 chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Giải pháp cần kíp nhất là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong nhà máy chế biến thủy sản để đảm bảo tiêu chí an toàn; tiếp đó là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.