Hơn 100 doanh nghiệp tạm ngừng xuất khẩu, kim ngạch thuỷ sản giảm đến 50%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với kim ngạch 588 triệu USD trong tháng 8-2021, xuất khẩu thuỷ sản giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. K ết quả xuất khẩu này phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh do Covid-19

Xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh do Covid-19

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8-2021 đạt 588 triệu USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 7-2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ lượng hàng dự trữ trước đó của các doanh nghiệp. Bước sang tháng 8-2021, xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%...

Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%,; Anh giảm 48%; Australia và Canada giảm 35% và 37%; EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%); xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.

VASEP cho hay, dịch Covid-1 bùng phát tại TP HCM và các tỉnh phía Nam trong nhiều tháng qua đã khiến cho khu vực trọng tâm phát triển ngành thủy sản Việt Nam này (chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc) trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động, áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, so với tháng 7-2021, số doanh nghiệp tham gia xuất hẩu thuỷ sản trong tháng 8-2021 giảm đi hơn 100 đơn vị. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ít hơn 150 đơn vị.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, còn giữ mức tăng khoảng 7% nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao.

VASEP cho hay, sau thời gian khá dài nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng phục hồi sớm. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau 15/9), thì khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới vẫn rất khó thực hiện.