Hơn 10 năm nữa, có tới gần 20% dân số ở nước ta là… người cao tuổi

ANTD.VN -Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ước tính vào năm 2030, tức 13 năm nữa, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta (người từ 60 tuổi trở lên) sẽ chiếm đến 18%...

70% người cao tuổi Việt Nam sống ở vùng nông thôn, không có tích lũy hay trợ cấp

Tại hội thảo quốc tế thích ứng với Già hóa dân số đang diễn ra ở Hà Nội (trong 2 ngày 17 và 18-7), ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Cụ thể, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Thế nhưng dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và đến năm 2050 là 25%. Nếu như các nước phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60 tuổi trở lên chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm cho quá trình này.

Điều đáng bàn là hiện có tới khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam không có tích lũy vật chất, chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm phải điều trị suốt đời. Đặc biệt, có tới khoảng 30% người cao tuổi nước ta hiện không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào.

Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, có một nghịch lý là đa phần các nước dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì ngược lại, dân số đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay. Cũng vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra.