- Thời gian thuê trọ đối với người lao động được hưởng hỗ trợ tính thế nào?
- Chuyển nhượng "sổ đỏ" đứng tên hộ gia đình có cần sự đồng ý của các thành viên?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin kết quả xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.
Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, quá trình triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có nhiều Bộ, ngành cùng tham gia.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động để xác minh đối tượng thụ hưởng. Trên cơ sở danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận các trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để xác minh đối tượng được hỗ trợ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động tháo gỡ khó khăn, phục hồi, ổn định sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai việc xác nhận người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
Kết quả, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng), cơ quan bảo hiểm đã xác nhận cho 20.570 đơn vị với 1.150.384 lao động tại 54 tỉnh thành, trong đó có 1.145.966 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Với người lao động quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng), cơ quan bảo hiểm đã xác nhận cho 4.919 đơn vị với 56.746 lao động tại 44 tỉnh thành, trong đó có 54.894 lao động có tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, tính tổng số, có hơn 1,2 triệu hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động đã được xác nhận, tính đến thời điểm này.