Hơn 1.000 chuyên gia tham dự diễn tập phòng thủ an ninh mạng Locked Shields 2018

ANTD.VN -Hơn 1.000 chuyên gia thuộc 30 quốc gia đã tham gia cuộc diễn tập thường niên về phòng thủ mạng Locked Shields 2018, do Trung tâm Hợp tác phòng thủ mạng tiên tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tổ chức nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các cơ quan trọng yếu và hệ thống quân sự trước các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. 

Theo Giám đốc Trung tâm Hợp tác phòng thủ mạng tiên tiến (CCD COE) Merle Maigre, cuộc diễn tập  được tổ chức từ ngày 23 đến 27-4 này cho thấy mức độ tác động của các cuộc tấn công mạng đối với các lĩnh vực và hệ thống khác nhau gồm cả dân sự và quân sự. 

Bà Maigre nhấn mạnh ngoài việc giải quyết các thách thức về kỹ thuật, Locked Shields 2018 có vai trò quan trọng giúp giới chức quân sự NATO hiểu rõ tác động của các vụ xâm nhập mạng đối với cấp độ chính trị và chiến lược. 

Các chuyên gia tham gia phòng thủ mạng Locked Shields 2018

Ông Aare Reintam, người đứng đầu cuộc diễn tập cho biết, thông thường các mối đe dọa an ninh mạng thường được phát hiện muộn, do vậy những người tham gia năm nay sẽ có cơ hội để nâng cao năng lực bảo vệ các dịch vụ quan trọng, hệ thống dân sự và quân sự.

Theo kịch bản diễn tập, người tham gia phải đạt được mức độ chuẩn như bảo vệ hệ thống chống lại các cuộc tấn công mạng nhắm vào lưới điện, mạng an toàn công cộng 4G, trạm lọc nước và hệ thống điều khiển của máy bay quân sự...

Tham gia cuộc diễn tập phòng thủ mạng hàng năm này, giới chức quốc phòng về phòng thủ mạng có cơ hội thực hành các biện pháp bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin của các nước cũng như hạ tầng cơ sở trọng yếu dưới sức ép từ một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. 

Là một tổ chức quốc có trụ sở tại Tallinn, Estonia và được coi là trung tâm phòng thủ mạng của NATO, CCD COE tập trung vào việc nghiên cứu, đào tạo và diễn tập phòng thủ mạng với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, chiến lược, hành động và pháp luật.

CCD COE hiện có các thành viên như Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia,  Litva, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ, trong khi các nước Australia, Na Uy và Nhật Bản cũng có khả năng gia nhập tổ chức này.