Homestay của chàng trai mang tên "Helo Mù Cang Chải" truyền cảm hứng cho bản Mông

ANTD.VN - Là hộ người Mông thứ hai của huyện dám làm homestay, Giàng A Dê cũng là người đầu tiên trong xã biết vận dụng công nghệ thông tin, lập website giới thiệu về cảnh sắc ruộng bậc thang, nét đẹp văn hóa dân tộc Mông trên cộng đồng mạng. Nhờ vậy, homestay mang tên “Helo Mù Cang Chải” của anh đã thu hút được đông đảo du khách nước ngoài tìm đến, đồng thời làm thay đổi hẳn cách nghĩ, truyền cảm hứng cho làn sóng đầu tư làm homestay trong cộng đồng người Mông ở La Pán Tẩn. 

Giàng A Dê đưa khách nước ngoài thăm danh thắng Ruộng bậc thang

Dám nghĩ, dám làm

Mấy năm nay, có nhiều dịp đến với Mù Cang Chải - địa danh mà chỉ mới nghe tên đã thấy xa lắc, xa lơ và vô cùng gian khó - tôi được nghe kể nhiều về mô hình homestay của đôi vợ chồng trẻ bản Mông có cái tên  “Helo Mù Cang Chải”. Nhân chuyến công tác cuối tháng 4 vừa qua, tuy đã gần 12h trưa, mặc cho cái nắng đầu mùa, mặc cho đôi chân đã mệt mỏi, cái bụng đói cồn cào, chúng tôi vẫn quyết tâm leo dốc lên với Helo Mù Cang Chải cho bằng được.

Đến lưng chừng dốc, một người phụ nữ Mông khăn len rực rỡ trên đầu, nụ cười tươi rói mời chúng tôi lên nhà, còn chị tiếp tục đi xuống đón khách nghỉ lễ dịp 30-4. Bắt đầu từ đây con dốc luôn rợp bóng hàng thông và hoa lá xanh mát. Người phụ nữ mà tôi vừa gặp là Vàng Thị Lỳ vợ của Giàng A Dê - chủ nhân của homestay.

Đầu hồi nhà, mó nước được dẫn từ khe núi về mải miết chảy làm tràn cả chiếc thùng gỗ chứa. Khung cảnh ấy khiến bất kỳ ai cũng muốn dừng lại để thỏa thuê vốc nước rửa mặt mũi, chân tay, tận hưởng cảm giác trong trẻo, mát lành. Khi chúng tôi đang thích thú ngắm nghía, chụp ảnh với những thửa ruộng bậc thang nằm vắt vẻo ở bên kia sườn núi cũng là lúc chị Vàng Thị Lỳ đón khách về đến nơi.

Tiếp chúng tôi bằng ly nước pha mật ong rừng, chị Lỳ cứ giục khách uống ngay để hồi phục sức khỏe. Chị Lỳ cho hay, với mức giá 300.000 đồng/người, du khách sẽ được gia đình chị hướng dẫn đi leo núi, thăm ruộng bậc thang và phục vụ ăn uống cả ngày. Bữa tối là bữa chủ đạo với các món ngon nhất của người Mông được chế biến công phu như: pá dù (thịt lợn đen băm nhỏ cùng rau thơm phủ mỡ chài rán lên thơm lừng), bánh dày rán chấm mật ong, cá chép ruộng nướng (kho, hấp) hoặc thịt lợn bản nướng, gà hầm thuốc bắc…

Chị kể, anh Dê sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh Thái Nguyên năm 2013, còn chị tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế năm 2014. Ra trường anh được tuyển vào làm nhân viên kinh doanh cho Viettel Mù Cang Chải, còn chị làm lễ tân Nhà khách Suối Mơ thuộc UBND huyện. Gần 2 năm làm lễ tân, chị thấy vốn tiếng Anh còn hạn chế nên đã xin tạm nghỉ việc đi làm ở quán Café Sapa Ochau (Sa Pa, tỉnh Lào Cai) để trau dồi ngoại ngữ.

Bữa trưa của tour leo núi

Trong một dịp cùng bạn bè đi chơi bên xã Lao Chải (huyện Sa Pa), thấy bà con ở đây làm homestay rất đông khách, thu nhập ổn định, nên chị Lỳ quyết định làm theo. Khi chị gọi điện cho chồng nói về ý định này, anh Dê cũng đồng ý ngay tắp lự và bắt xe lên Sa Pa khảo sát.

Thế rồi, anh Dê về tìm địa điểm làm homestay và bắt đầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện. Chị Lỳ tiếp tục ở lại vừa làm, vừa tự học tiếng Anh. Trong thời gian này chị tranh thủ đi tour để học cách xây dựng tour, hướng dẫn tour. Chị cũng nhờ các tình nguyện viên dạy tiếng Anh miễn phí ở Café Ochau lập website và dịch nội dung ra tiếng Anh để tiếp thị rộng rãi với khách nước ngoài.

Địa điểm 2 vợ chồng chọn làm homestay là phần ngọn của quả đồi có diện tích khoảng hơn 3.000m2. Đây là phần đất được A Dê hoán đổi mấy thửa ruộng và các thêm gần 25 triệu đồng cho người chú họ. Khởi công đầu năm 2017, phần lớn các hạng mục như sân, vườn, đường đi… anh chị đều tự làm để tiết kiệm chi phí.

Một năm sau, mô hình homestay mới hoàn thành với giá trị đầu tư gần 500 triệu đồng. Trước khi hoàn thành chừng 1 tháng, 8 khách Hồng Kông đã đặt chỗ và ngay khi mới hoàn thành vợ chồng A Dê đón thêm 1 khách nước ngoài đến lưu trú. Từ đó đến nay, Helo Mù Cang Chải đều đặn đón khách, nhất là vào dịp du lịch “mùa lúa chín” và “mùa nước đổ”, cả 5 phòng lưu trú của anh chị đều kín chỗ. 

Trải nghiệm lao động cùng bà con trong bản

Liên kết bà con cùng làm du lịch cộng đồng

Cách làm của vợ chồng Giàng A Dê, Vàng Thị Lỳ đã truyền cảm hứng cho làn sóng đầu tư làm homestay trong bà con trong xã. Được sự động viên khuyến khích của chính quyền địa phương, tiếp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội, phong trào làm homestay được bà con bản Mông đua nhau phát triển.

Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến nghỉ, tham quan tăng lên nhanh chóng, chất lượng các dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được cải thiện rõ nét. Hiện nay, xã La Pán Tẩn đã có 14 hộ người Mông đầu tư làm homestay với  nguồn thu bình quân 80-100 triệu/hộ/năm (6 hộ đang xây dựng, cuối năm đưa vào hoạt động), tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Đặc biệt, bà con đã gắn khai thác với bảo vệ, giữ gìn những giá trị của danh thắng ruộng bậc thang của tỉnh. 

Để các hộ kinh doanh homestay cùng phát triển bền vững, tháng 3-2019, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng do Giàng A Dê làm tổ trưởng đã hình thành với hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất mức giá dịch vụ, san sẻ giới thiệu khách khi thiếu phòng.

Đầu năm 2020, Giàng A Dê nâng mô hình homestay của mình lên thành Công ty TNHH du lịch và thương mại Helo Mù Cang Chải nhằm mục đích mở rộng hợp tác đón khách ngoại quốc với các công ty du lịch, tạo nguồn khách ổn định, dồi dào cung ứng cho các homestay trong Tổ hợp tác. Đồng thời, liên kết với 13 hộ ở các bản Mông tham gia thiết kế đường leo núi, làm các dịch vụ vận chuyển đồ, hậu cần, phục vụ khách tham quan leo núi, ngủ rừng, trải nghiệm sinh hoạt cùng bà con bản Mông.

Với mong muốn bà con bản Mông đều được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng, từ năm 2019, Helo Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều buổi học tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ trong bản. Đặc biệt, đầu năm 2020, A Dê đã mở khóa học, mời tình nguyện viên về dạy giao tiếp tiếng Anh, hướng dẫn viên du lịch cho 17 thanh niên bản Mông.

“Tuy nhiên, mới triển khai được 2 tuần thì lớp phải tạm dừng vì dịch Covid-19. Mình đang đợi khi mở cửa đón khách nước ngoài trở lại, lớp học sẽ tiếp tục. Hy vọng lớp sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập và phát triển du lịch cộng đồng cho bà con trong bản” - Giàng A Dê nói. 

Ông Sùng Thành Công - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn bảo, từ hiệu quả kinh tế mà hộ gia đình Giàng A Dê đạt được đã tạo làn sóng cho các hộ gia đình khác mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh. Homestay phát triển đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách lưu trú tại xã mỗi năm, tạo thuận lợi để bà con phát triển sản xuất, cung cấp nhiều nông sản địa phương có chất lượng và giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách.

Điển hình như hộ ông Lý A Mang (bản Trống Páo Sang) đã mở rộng chăn nuôi thường xuyên tiêu thụ gà đen, lợn cắp nách và rau cải mèo cho các homestay, mang lại thu nhập trên 60 triệu đồng/năm; gia đình chị Lý Thị Chú (bản La Pán Tẩn) trước đây phải đi xa làm thuê, nay đã tập trung chăm sóc 5 vườn rau, đàn gà, đời sống nâng lên đều nhờ vào bán nông sản cho homestay và khách du lịch.