Hôm nay, 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia

ANTĐ - Sáng 30-6, gần 900.000 thí sinh cả nước sẽ tới 1.482 điểm thi để nhận phòng thi, làm thủ tục và nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế. Bắt đầu từ 8h, thí sinh có 1 ngày để làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và đính chính các sai sót nếu có. 

Điều chỉnh ngay sai sót trong ngày

Trong buổi làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi sẽ phổ biến quy chế thi, dặn dò thí sinh những điều cần thiết như các vật dụng được mang vào phòng thi, vi phạm những gì sẽ bị lập biên bản. Một trong những công việc quan trọng trong buổi làm thủ tục này là việc đính chính thông tin nếu phát hiện sai sót trên giấy báo thi, chẳng hạn sai họ tên, hộ khẩu, ngày tháng năm sinh, khu vực ưu tiên… Thí sinh cần điều chỉnh ngay trong ngày làm thủ tục để yên tâm dự môn thi đầu tiên vào ngày 1-7.

Năm nay, kỳ thi kéo dài từ ngày 1 đến hết 4-7 với 8 môn thi: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Vật lí, Địa lí, Hóa học, Lịch sử, Sinh học. Các môn thi buổi sáng sẽ bắt đầu làm bài từ 7h30, buổi chiều từ 14h30. Vào các ngày thi, thí sinh nên đến điểm thi trước thời gian quy định khoảng 30 phút, theo quy định nếu đến phòng thi chậm 15 phút, thí sinh sẽ không được dự thi.

Năm nay, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Đối với các học sinh lớp 12 hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và môn do thí sinh tự chọn. Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia kết hợp xét tuyển ĐH, CĐ sẽ thi 4 môn như các thí sinh xét tuyển tốt nghiệp và thi thêm những môn mà trường ĐH, CĐ yêu cầu khi xét tuyển. Thí sinh tự do (đã đỗ tốt nghiệp các năm trước) chỉ phải thi những môn mà trường ĐH-CĐ yêu cầu khi xét tuyển.

Thí sinh lưu ý sửa chữa sai sót trên giấy báo thi ngay trong ngày 30-6

Ưu tiên tối đa cho thí sinh 

Thay vì yêu cầu thí sinh về các thành phố lớn dự thi như các năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay hạn chế thấp nhất việc di chuyển của thí sinh bằng cách đưa các giám thị từ trường ĐH về các tỉnh để coi thi. Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 120 hội đồng thi, trong đó có 70 hội đồng thi đại học và 50 hội đồng thi tốt nghiệp. 

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, từ ngày 25-6, trường ĐH Ngoại thương đã lên phương án chi tiết cho việc di chuyển và ăn nghỉ cho 300 cán bộ của trường đi coi thi tại tỉnh Quảng Ninh.

Đây là khối lượng công việc không nhỏ khi ĐH Ngoại thương phải tổ chức tập huấn, di chuyển gần như toàn bộ cán bộ giảng viên của trường để phục vụ kỳ thi THPT quốc gia trong vòng 1 tuần sắp tới. “Hiện tại, trường chúng tôi đã đưa cán bộ của trường đến Uông Bí và bố trí xe đưa đón cán bộ đi lại các điểm thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Các địa điểm ăn nghỉ cũng đã được lên kế hoạch đặt hợp đồng”- bà Lê Thị Thu Thủy cho biết. 

Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi THPT quốc gia tại tỉnh Bắc Giang. Tổng số cán bộ, giảng viên nhà trường được huy động tham gia tổ chức kỳ thi này là 483 người. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, chiều 29-6, trường tổ chức một đoàn cán bộ, giảng viên đi Bắc Giang trước. Đoàn còn lại sẽ đi vào sáng sớm 30-6.

Trường thuê trọn gói 3 khách sạn và một số nhà nghỉ ở khu vực xung quanh để cán bộ ăn ở. Được biết, hiện các trường đều đang phải tạm ứng các khoản chi phí đưa cán bộ về các tỉnh coi thi. Ông Bùi Đức Triệu cho biết, khoản kinh phí theo quy định Nhà nước cấp cho việc tổ chức thi chỉ đáp ứng được 50% thực tế, 50% còn lại do nhà trường tự trang trải. Đó mới chỉ là chi phí tính được như ăn, ở chứ chưa kể những chi phí không tính được như con người hay xe cộ của trường. 

Về chấm thi, các trường đang phải cân nhắc giữa phương án đưa cán bộ chấm thi về các tỉnh nơi mình chủ trì coi thi hay đưa bài thi về Hà Nội. So sánh 2 phương án này, ĐH Ngoại thương chọn vận chuyển bài thi về Hà Nội chấm thi để tránh phát sinh chi phí ăn ở cho giám khảo chấm thi của trường tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc vận chuyển bài thi cũng phải được chuẩn bị chu đáo, tránh phát sinh tình huống thất lạc bài thi. Một số trường lại chọn phương án thuê giáo viên THPT ngay tại tỉnh mình coi thi để chấm thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi.