Hôm nay, 25-8, hàng loạt chính sách quan trọng chính thức có hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí, bổ sung phương thức đấu thầu, chuyển đổi công tác của Bộ Quốc phòng không làm tăng giảm biên chế… là những quy định mới có hiệu lực từ hôm nay, 25-8.

Thông tư 55/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại nêu rõ, pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP

Theo đó, Điều 43 Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định gồm các loại chi phí như: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; Chi phí thù lao cho người định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản; Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên; Chi phí chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế…

Thông tư 54/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam…

Theo đó, chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi tiếp khách nước ngoài, tổ chức hội nghị hoặc hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc tiếp khách trong nước chỉ được thực hiện đến 1/7/2022 - thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 4 Điều 35 Thông tư 71/2018, các chế độ nêu trên thực hiện hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi thực hiện theo chế độ tiền lương mới của Nghị quyết số 27 năm 2018.

Thông tư 09/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về nghiệp vụ thị trường mở. Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này đã bổ sung về phương thức đấu thầu tại Thông tư 42/2015, cụ thể như sau:

Đối với bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất; Ngân hàng Nhà nước bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo phương thức đấu thầu khối lượng trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần thông báo lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thông tư 80/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong Quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ; danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo đó, các nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác được nêu chi tiết tại Điều 4 gồm: Chuyển đổi vị trí công tác không làm tăng, giảm biên chế của đơn vị. Quá trình chuyển đổi vị trí công tác phải khách quan, minh bạch, khoa học, phù hợp, chống lợi dụng, tiêu cực, bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.Việc chuyển đổi này tiến hành thường xuyên, công bố công khai trong nội bộ đơn vị…

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm liên tục với cán bộ, nhân viên đơn vị Quân đội thuộc các nhóm ngành, ngành như: Chính sách, trang bị, tuyển sinh quân sự; Cán bộ chính trị ngành nhân sự, đào tạo…