Sưu tầm và Tuyên tuyên truyền kỷ vật CAND

Hồi ức về chặng đường vẻ vang

ANTĐ - Cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên truyền kỷ vật Công an nhân dân” vừa chính thức được phát động được đánh giá là sự kiện đầy ý nghĩa để tôn vinh những người chiến sĩ công an đang ngày đêm gìn giữ sự bình yên. Đây còn là dịp để nhìn lại chặng đường 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam.

9 mẫu tóc của Bác được chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ góp nhặt khi cắt tóc cho Bác (1965 -1967)

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện

Chiếc áo bạt còn nhìn rõ vết thủng trên vạt áo cùng những mảng ố vàng và thâm đen bởi khói ám, dấu vết của trận chiến đấu sống còn với “giặc lửa” cách đây gần 50 năm là một kỷ vật không thể nào quên đối với những chiến sĩ của lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội tham gia trận chiến lửa tại kho xăng Đức Giang. Ngày 29-6-1966, khi đế quốc Mỹ cho ném bom xuống kho xăng Đức Giang - Tổng kho xăng dầu lớn nhất miền Bắc, người chiến sĩ công an PCCC trong trang phục thô sơ, quần áo bạt, găng tay bạt, mũ đồng… đã lao vào trận địa lửa. Trong màn khói mù mịt, giữa cái sống cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, một chiến sĩ cảnh sát dùng chiếc áo bạt bịt miệng cứu phuy xăng đang bị lửa đe dọa. Trong đêm ấy, anh cùng đồng đội lập chiến công xuất sắc bảo vệ, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra. Chiếc áo ấy giờ được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân, ghi dấu một trong những chiến tích oai hùng của lực lượng CAND trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. 

Chiếc áo bạt chống lửa trong trận đánh tại kho xăng Đức Giang

Trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, những chiến sĩ công an đã được nhân dân chở che, giúp đỡ để hoàn thành những nhiệm vụ bí mật trước tai mắt quân thù. Bộ vật dụng hàng ngày mà đồng bào ở những vùng tạm chiến, những vật dụng đã nuôi giấu cán bộ ta là những vật chứng thấm đượm tình quân dân. Chiếc ốp giỏ mây của gia đình bà Nguyễn Thị Khuyên (xã Hùng Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) để ngụy trang khi chuyển giao hồ sơ, tài liệu mật qua vùng địch kiểm soát để phục vụ công tác của các chiến sĩ công an. Một chiếc nồi đồng của gia đình ông Lê Văn Nghĩa ở xóm Vĩnh Yên, xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã dùng nấu cơm cho các chiến sĩ công an trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, chiếc nồi ấy lại được dùng để nấu cơm cho các đồng chí cán bộ huyện đi công tác qua đây. Hay như chiếc tù và được nhân dân xã Yên Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên thổi để báo hiệu có địch đi càn… Mỗi đồ vật mộc mạc, giản dị nhưng chứa chan tình cảm gắn bó đoàn kết, sự thủy chung son sắt, sự phối hợp máu thịt giữa lực lượng Công an nhân dân cùng người dân trên mọi miền Tổ quốc.  Những kỷ vật đã tiếp nhận thông qua cuộc vận động, dù là mảnh áo, một khẩu súng hay một bức thư gửi ra nơi chiến trận… đó không chỉ là những hồi ức gắn liền với cuộc sống của một cá nhân, một thế hệ mà còn gửi gắm biết bao câu chuyện về các giai đoạn chiến đấu anh hùng nhưng cũng đầy mất mát, đau thương. 

Bộ kỷ vật tình quân dân những năm kháng chiến chống Pháp

Thu thập 5.000 hiện vật gốc

Trải qua một thời gian dài, những kỷ vật ấy hoặc đã thất lạc, hoặc không còn nguyên vẹn. Chính vì thế, cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên tuyên truyền kỷ vật CAND” là sự kiện ý nghĩa nhằm tìm kiếm, giữ lại và bảo tồn những kỷ vật có giá trị, để giới thiệu  rộng rãi về lịch sử vẻ vang và di sản văn hóa của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự vì bình yên cuộc sống. Được tiến hành từ tháng 4-2012, đến năm 2013, cuộc vận động “Sưu tầm kỷ vật CAND” chính thức được phát động, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948-2013) và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND (19-8-1945/19-8-2015). 

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười (giữa) tham quan bàn trưng bày kỷ vật

Những hiện vật được sưu tầm có thể là Huân, Huy chương, Bằng khen cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trao tặng; các loại vũ khí, phương tiện; các vật dụng như sổ tay ghi chép, nhật ký… hay như các tác phẩm hội họa, điêu khắc, văn học nghệ thuật liên quan đến các tập thể, cá nhân Anh hùng, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực ANTT và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài việc hướng tới mục tiêu thu thập được 5.000 hiện vật gốc bổ sung vào bảo tàng CAND và các di tích, nhà truyền thống trong lực lượng CAND, BTC cũng dự kiến tổ chức 4 cuộc triển lãm lưu động nhằm giới thiệu các hiện vật đối với công chúng. Cùng với đó là trưng bày triển lãm tuyên truyền, giới thiệu tại công an các đơn vị, địa phương, các bảo tàng, các trường, trại trên cả nước. Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày Triển lãm “Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân” với quy mô lớn vào năm 2015. Song song với các kế hoạch triển lãm, Nhà xuất bản Công an nhân dân sẽ tổ chức xuất bản các ấn phẩm: Tổng tập Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân Việt Nam; Những kỷ vật trên mặt trận thầm lặng; Kỷ vật phòng chống tội phạm; “Tiếng nói” từ bên kia chiến tuyến... trong suốt thời gian của cuộc vận động để đưa những hình ảnh, những câu chuyện cảm động và ý nghĩa gắn liền với lực lượng CAND đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Nhân dịp phát động cuộc vận động, chương trình Giao lưu nghệ thuật mang tên “Ký ức lịch sử Công an nhân dân”, gặp gỡ những nhân chứng hiến tặng kỷ vật sẽ được truyền hình trực tiếp trên vào 20h trên kênh VTV2 tối nay, 10-3.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Trưởng ban tổ chức cuộc vận động cho biết, đã có nhiều tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ quý báu cho cuộc vận động. Đặc biệt là việc CLB sĩ quan hưu trí Bộ Công an hiến tặng cho Bảo tàng CAND gần 100 kỷ vật lịch sử. Đây là không chỉ là hành động đầy ý nghĩa của CLB sĩ quan hưu trí mà còn là nguồn động viên lớn về tinh thần hết sức giá trị để cuộc vận động đi đến thành công.