Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

ANTD.VN - Qua hồi ức của người lính từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 41 năm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã ghi lại một cách chân thực và xúc động những sự kiện của cuộc chiến tranh này trong cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.

Vị Xuyên – 2000 ngày giữ đất

“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” như tái hiện chân thực về cuộc chiến đấu đầy quả cảm, sẵn sàng hy sinh từng tấc đất nơi biên cương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước. Đọc “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”, người ta còn thấy những nỗi niềm khắc khoải, ám ảnh của người cựu chiến binh về sự hy sinh của đồng đội, quyết chiến đấu để giữ từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy xúc động kể lại kỷ niệm về cuộc chiến

Ngày 17-2-1979, Trung Quốc huy động hơn 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại, mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km.

Vị Xuyên của Hà Giang trở thành tâm điểm của cuộc chiến ác liệt diễn ra suốt 10 năm (1979 – 1989). Trong 5 năm, kể từ tháng 4-1984 đến tháng 10 – 1989, mảnh đất này đã phải hứng chịu 3 vạn đến 5 vạn viên đạn pháo lớn.

“Các trận địa phòng ngự của ta ở các dãy núi đá vôi vỡ trắng như miệng các lò vôi, nên anh em lính gọi là “lò vôi thế kỷ”, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ hy sinh”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy viết.

Những năm tháng chiến đấu khốc liệt, muôn vàn khó khăn in hằn trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là những bữa cơm với cá mắm khô, hiếm khi mà có thịt tươi, mỗi người chỉ có 1 lít đến 2 lít nước sinh hoạt cho một ngày và cả những lần nhường đất gieo rau cho bộ đội…

Và khi nhắc về chiến trường Vị Xuyên, người ta nhắc về một mảnh đất mang tầm vóc to lớn, đại diện cho ý chí, quyết tâm, tinh thần quả cảm của toàn dân tộc để đấu tranh giữ vững mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Thắng lợi này bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của sự đoàn kết toàn dân tộc, với ý chí chiến đấu kiên cường của quân dân Việt Nam mà trực tiếp là các lực lượng vũ trang của Bộ, của Quân khu 2, của quân dân Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang hiện nay).

Quân và dân các tỉnh miền núi phía Bắc là những người đầu tiên cầm súng khi quân Trung Quốc xâm lược

“Nỗi đau mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ. Tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù. Lịch sử không thể bị lãng quên”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy xúc động khi nói về những năm tháng chiến tranh.

41 năm đã trôi qua, đất nước ngày càng vươn mình mạnh mẽ trên trường quốc tế với những đổi thay. Thế nhưng trong tâm trí những người lính năm xưa, nỗi khắc khoải về sự hy sinh của đồng đội, đồng bào vẫn luôn đau đáu trong tim.

Ông vẫn nhớ nguyên nỗi đau khi trở về thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, một nửa trong số 1.700 ngôi mộ tại đây không có tên tuổi. Nhưng đau đớn nhất là hơn 2.000 đồng đội của ông vẫn nằm lại ở mảnh đất Vị Xuyên.

“Anh em coi việc đào ngũ là một việc rất xấu và sỉ nhục nhất của người lính, họ lên chốt chiến đấu với tâm trạng thoải mái “nhẹ như lông hồng”, đồng đội hy sinh rồi vuốt mắt cho đồng đội, rồi lại cầm súng ra chiến hào chiến đấu với tinh thần “sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử”, một trích đoạn trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.

Cho tới bây giờ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy luôn luôn mong muốn thế hệ đi sau tự hào về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ, không quên lịch sử.

Đây cũng là tâm nguyện của tác giả muốn gửi gắm trong cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” vừa được Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành vào tháng 3-2020.