Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc

ANTĐ - Ngày 12-9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc(KOICA) đã cùng tổ chức Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển Việt Nam – Hàn Quốc với sự tham dự của khoảng 200 khách mời tại Hà Nội.

Hội nghị lần này rất có ý nghĩa vì được tổ chức đúng dịp kỉ niệm 20 năm Việt Nam chính thức hợp tác ODA với cộng đồng quốc tế.

Những người được mời trình bày tham luận tại hội thảo đều là những học giả nổi tiếng, những lãnh đạo, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong công tác hợp tác phát triển của hai nước. Hội thảo đưa ra những ví dụ điển hình trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thảo luận về triển vọng của Việt Nam và chiến lược hợp tác phát triển của Hàn Quốc.

Hội thảo nhận đuợc sự quan tâm của không chỉ đại diện của cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học mà sự tham dự của các Đại sứ quán Chi Lê, Venezuela… Sự tham gia thảo luận của đại diện của các nhà tài trợ như JICA, USAID, World Bank, ADB đã cho thấy mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đến kinh nghiệp hợp tác phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương đã cho biết: “Những thành tựu phát triển trong những năm qua của Việt Nam là do Việt Nam đã phát huy tốt sức mạnh nội lực, biết kết hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và ngoài nước, trong đó có những đóng góp về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế khắp năm châu có ý nghĩa to lớn và quan trọng”. 

Hội thảo quốc tế phát triển Việt Nam-Hàn Quốc thông qua những so sánh kinh nghiệm phát triển giữa 2 nước sẽ tạo ra hình mẫu phát triển tốt đối với Việt Nam và đưa ra những phương hướng có tính chiến lược trong hợp tác phát triển đối với Việt Nam của Hàn Quốc.

Trong buổi hội thảo Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại, Hoàng Viết Khang và Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam, ông Kim In đều cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chính vì vậy không chỉ những học giả, mà nhiều nhà nghiên cứu chính sách của các nước đang phát triển muốn nghiên cứu và học tập như là một hình mẫu tiêu biểu của châu Á.