Hội thảo "Nguyễn Văn Tố- Cuộc đời và sự nghiệp"

ANTĐ - Sáng nay (15-12), Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo “Nguyễn Văn Tố - Cuộc đời và sự nghiệp”, một hoạt động có ý nghĩa chào mừng 70 năm Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tới dự hội thảo có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong; Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Phạm Ngọc Anh; Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, Hoàng Công Khôi.

Chân dung Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
khóa đầu tiên-Nguyễn Văn Tố

Với 26 tham luận của các nhà khoa học, các diễn giả, hội thảo đã khẳng định công lao và những cống hiến to lớn với cách mạng Việt Nam của nhà trí thức, liệt sỹ Nguyễn Văn Tố. Đồng thời, các ý kiến đóng góp tại hội thảo còn khẳng định tài năng và nhân cách lớn của vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên này.

​Bằng việc công bố các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã giúp thế hệ ngày nay hiểu rõ hơn, sâu sắc và toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên- Nguyễn Văn Tố. Từ đó góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ và người dân.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: "Hà Nội tự hào là quê hương của nhà chí sỹ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Những thành tựu đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua và đặc biệt sau hơn 30 năm Hà Nội cùng cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã tạo nên sức sống mãnh liệt, giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển đi lên, trong đó có công lao đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Tố và đội ngũ trí thức Việt Nam".

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc, ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, một trung tâm nghiên cứu khoa học của Việt Nam và Đông Dương.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông có đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Là người hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước, ông từng giữ nhiều trọng trách: Hội trưởng Trí Tri, Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ.

Những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Tố đã cùng những tri thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xóa mù chữ, nâng cao dân trí và ý thức chính trị trong nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức, vận động nhân dân chống  “giặc đói”, “giặc dốt”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bầu Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai bản Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Ông còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Được Bác tin tưởng giao giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ, Nguyễn Văn Tố đã có nhiều đóng góp trong việc kiến thiết xây dựng nước nhà. Toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc hoạt động. Tháng 10-1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, ông bị địch bắt và hy sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” tại lễ truy điệu vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trước họng súng quân thù.