Hồi sinh vùng “đất chết”

ANTĐ - Nằm lọt trong khu vực nổi tiếng với các tòa nhà chọc trời, đó là một khu nhà kính có kích thước khiêm tốn, không được mấy người chú ý. Tuy nhiên, công trình gần bờ biển tại thành phố công nghiệp Mesaieed của Qatar này hứa hẹn sẽ là bước đột phá của nhân loại khi con người có thể biến đất sa mạc thành trung tâm sản xuất thực phẩm và nước ngọt.

Mục tiêu cuối cùng của Dự án Rừng Sahara là đem lại sự sống trên sa mạc

Giải pháp đột phá

Nhà máy nằm trên diện tích 1ha, vốn đầu tư 5,3 triệu USD sẽ mở cửa vào cuối tháng 11-2012 và là mốc quan trọng của Dự án Rừng Sahara (SFP) với ý tưởng ban đầu của một công ty Na Uy từ năm 2008. Cơ sở này xây dựng quan hệ đối tác với các công ty phân bón Yara Quốc tế và Qafco nhằm triển khai một loạt các “công nghệ xanh” từ năng lượng Mặt trời tập trung (CSP), tấm quang điện đến nhà kính làm mát bằng nước biển bắt chước chu kỳ thủy văn.

Michael Pawlyn, một kiến ​​trúc sư người Anh chuyên về thiết kế bền vững, thành viên sáng lập của dự án cho biết, kết hợp các cụm công nghệ đó với nhau sẽ tạo ra một mô hình mới. “Khi bắt đầu dự án, chúng tôi nhận ra có rất nhiều ý tưởng, trong đó mỗi người đề xuất một giải pháp để giải quyết một vấn đề tại một thời điểm nào đó như thiếu nước, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu. Vì thế, chúng tôi quan tâm đến phát triển các giải pháp tích hợp để cùng lúc ứng phó với các thách thức”, ông Pawlyn nói. 

Thiết kế của nhà máy ở Qatar này thể hiện một quy trình công nghệ chặt chẽ. Điện từ nguồn năng lượng mặt trời giúp máy bơm đưa nước biển vào làm điều hòa không khí bên trong nhà kính. Trong quá trình này, nước biển chảy nhỏ giọt trên màn che có những lỗ nhỏ li ti làm mát và ẩm cho không khí sa mạc khô, tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho cây trồng. Một phần nước biển bốc hơi ngưng tụ trong nhà kính sẽ là nguồn nước ngọt để tưới cho cây trồng. Còn lại, nước mặn sẽ tiếp tục được đưa vào làm mát các tấm quang điện để tăng hiệu quả vận hành. Cuối chu trình này, bể chứa muối sẽ chiết xuất thành các hóa chất sodium chloride, thạch cao hay canxi carbonat vì mục đích thương mại hóa.

Triển vọng lớn lao

Hồi sinh vùng “đất chết”  ảnh 2
Khu công nghệ tích hợp đang thử nghiệm trên diện tích 1ha tại Quatar

Việc khai trương nhà máy thí điểm nói trên dự kiến trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc (COP18) tại Doha từ 26-11 đến 7-12. Ba năm trước đây, tại hội nghị COP15 tại Copenhagen, Dự án Rừng Sahara lần đầu tiên đã được trình bày nghiên cứu khả thi trước thế giới. Ông Olav Kjorven, trợ lý Tổng thư ký của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc khi ấy đã gọi đây là “tiêu chuẩn vàng”, trong khi Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani tin rằng dự án có thể giúp cải thiện an ninh lương thực ở Trung Đông. “Tôi cho rằng điều này không chỉ quan trọng với Qatar mà còn cho toàn bộ khu vực và cả những nơi khác có khí hậu tương tự như Qatar”, Thủ tướng Al Thani tuyên bố.

Nếu được đánh giá tốt, một dự án với quy mô lớn hơn sẽ tiếp tục được thực hiện ở Qatar trên diện tích dự kiến khoảng 200ha. Chuyên gia Pawlyn tin tưởng rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu trong khi một số khu vực trên thế giới đặc biệt thích hợp khi áp dụng dự án này. Ví như Almeria ở miền nam Tây Ban Nha với 20.000ha nhà kính hay Qattara Depression - vùng đất rộng 18.000km2 nằm dưới mực nước biển ở phía đông bắc Ai Cập. 

Việc kết hợp công nghệ tiên tiến nhất tại một trong số khu vực căng thẳng nhất về nước ngọt trên Trái đất như trên có thể giúp sản xuất năng lượng tái tạo, “xanh hóa” sa mạc cũng như cung cấp thực phẩm và sinh kế cho người dân thực sự phải hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới.