Hồi sinh du lịch Việt ngay những ngày hè sôi động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo phân tích từ Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), 314 tỷ đô la là số tiền mà ngành hàng không trên thế giới sẽ “bốc hơi” do các nước chưa mở cửa bình thường đường bay quốc tế, hơn 100 triệu việc làm trong ngành du lịch có thể bị mất đi. Chỉ cách đây vài tháng, khi nhắc tới du lịch người ta nhắc tới những từ như “đóng băng”, “ngủ đông”, còn hiện tại thì mọi người đã quen với việc nhiều công ty tuyên bố… phá sản.

Hoạt động teambuilding khám phá hang động tại Quảng Bình

Thế giới chao đảo

Từ tháng 2-2020, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ nền kinh tế nói chung, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng đầu tiên và tổn thất nặng nề hơn cả. Trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ buộc phải áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngành “công nghiệp không khói” này vốn đóng góp khoảng 10,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và tạo ra khoảng 25% số việc làm mới của thế giới trong năm qua. Thế nhưng cơn bão mang tên Covid-19 đã cuốn phăng đi tất cả. 

Một nghiên cứu hồi tháng 4-2020 của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) chỉ ra rằng, trong hơn 200 điểm đến được chọn có 97 điểm đến (tương đương khoảng 45%) thực hiện đóng cửa biên giới toàn bộ hoặc một phần; 65 quốc gia và vùng lãnh thổ (tương đương khoảng 30%) có các chuyến bay bị ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc một phần; 39 địa điểm (khoảng 18%) đóng cửa biên giới với một số nước cụ thể…

Theo dữ liệu từ Flightradar24 - trang điện tử chuyên theo dõi các chuyến bay trên toàn cầu - nếu nói riêng về ngành hàng không thì số lượng chuyến bay thương mại trung bình mỗi ngày giảm từ khoảng 100.000 chuyến trong 2 tháng đầu năm 2020 xuống còn khoảng 78.500 chuyến trong tháng 3 và 29.400 chuyến trong tháng 4.

Theo dự báo, thời gian tới, du lịch Việt nói riêng sẽ có thêm các yếu tố mới cho việc phục hồi, không chỉ dừng lại ở 3 yếu tố như hiện nay là: an toàn cho sức khỏe, điểm đến gần, chi phí hợp lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch Covid-19. 

Một chuỗi khách sạn lớn như Marriott hay Hilton cũng phải đối mặt với vấn đề sa thải bớt nhân viên và giảm lương. Nền tảng du lịch trực tuyến Expedia Group mới đây chính thức thông báo sẽ giảm ít nhất 3.000 việc làm. “Thất nghiệp có thể tăng hơn 20% và một số lĩnh vực gần như có thể bị xóa sổ nếu thời gian ngừng hoạt động du lịch lên tới một năm. Năm 2019, ngành du lịch chiếm 29% xuất khẩu dịch vụ của thế giới và khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu” - nghiên cứu của WTTC cho biết.

Trong khi đó UNWTO ước tính thiệt hại từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt khách du lịch quốc tế; 910 triệu đến 1,1 nghìn tỷ đô la doanh thu xuất khẩu và 100 đến 120 triệu việc làm, tùy thuộc vào việc biên giới được mở vào tháng 7, tháng 9 hay tháng 12. Hầu hết các điểm đến đã hoàn toàn đóng cửa vào tháng 4 và tháng 5-2020. Nhiều chuyên gia và người làm du lịch nhận định, đây là “cơn bão” khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử.  Dù trước đây, ngành công nghiệp du lịch cũng đã trải qua nhiều khủng hoảng, tuy nhiên, chưa lần nào lại tổn thất nặng nề như nửa đầu 2020 này. 

Phục hồi du lịch nội địa

Tại Việt Nam, từ tháng 1-2020, ngành du lịch đã bắt đầu “nếm” trái đắng. Nhiều công ty du lịch nhỏ và vừa ngừng hoạt động, nhân viên chuyển sang ngành khác tạm thời, sụt giảm doanh thu. “Dịch bệnh gây ảnh hưởng chung nên chúng ta cũng không thể may mắn mà nằm ngoài được . Thế nhưng thay vì suy nghĩ bi quan, chúng ta đã coi đó là cơ hội để làm mới ngành du lịch, tái cơ cấu nguồn khách và chọn hướng đi bền vững hơn” - ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Flamingo Redtours chia sẻ.

Ngay khi dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ngành du lịch Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các dự báo và kịch bản phục hồi. Hiệu quả sau đó được chứng minh. Nhiều hãng thông tấn, báo chí quốc tế, tổ chức du lịch khu vực và thế giới nhìn về du lịch Việt Nam như điểm sáng giữa bức màn đen của du lịch thế giới. Hãng thông tấn Reuters nhận định, du lịch nội địa của Việt Nam phục hồi nhanh chóng và nổi bật, trong khi New Zealand vẫn còn trông chờ vào khách quốc tế. CNN lý giải sức bật của du lịch Việt Nam ngay sau dịch Covid-19 mà các nước trên thế giới nên học. Trang Travel and Leisure xếp Việt Nam là điểm đến hàng đầu của châu Á sau dịch Covid-19. CNN Travel gợi ý hàng loạt các món ăn hấp dẫn tại Việt Nam mà du khách nên đến sau khi các chuyến bay mở cửa trở lại…

Theo các số liệu báo cáo từ một số đơn vị kinh doanh du lịch, các tín hiệu khả quan của ngành đang dần trở nên rõ hơn. Tính tới tháng 6-2020, lượng khách nội địa của du lịch Việt Nam đã tăng khoảng 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện từ Công ty Flamingo Redtours cho biết, hết tháng 4, số lượng tour bán ra của đơn vị này gần như là con số 0. Tới tháng 5, lượng khách mua vé khoảng 500 - 600 khách. Hết tháng 6, một trong những tháng cao điểm của mùa du lịch, lượng khách mua tour đạt 5.000 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào tháng 7.

Trong khi du lịch thế giới đang tìm cách chống chọi lại dịch bệnh thì du lịch Việt đã chỉ ra kế hoạch phục hồi. Thay vì tập trung vào số lượng thì nay tập trung vào tiêu chí an toàn. Thay vì phụ thuộc vào khách quốc tế thì nay toàn ngành hướng trở lại khách nội địa với hàng loạt ưu đãi, chất lượng dịch vụ nâng cao. Đặc biệt, yếu tố môi trường được xem xét lại nhiều hơn. Đây là những “bí quyết” làm nên sức hấp dẫn của du lịch nội địa. Hiện chưa có dự báo chính xác nào cho thời gian phục hồi hoàn toàn của ngành công nghiệp không khói này, nhưng so với thế giới, Việt Nam có rất nhiều dấu hiệu tích cực.

Tranh thủ cơ hội xây dựng du lịch thông minh

Có một số ý kiến cho rằng, ngành du lịch Việt Nam có thể tận dụng tháng 6 và tháng 7 làm “phao cứu sinh” cho nửa cuối năm 2020. Sở dĩ, quan điểm này được đưa ra dựa trên thói quen đi du lịch lâu nay của người Việt. Những năm trước đây, các khu du lịch, nghỉ dưỡng vào dịp hè luôn trong tình trạng quá tải do nhiều công ty, gia đình, cá nhân lựa chọn đi du lịch vào dịp này. Thế nhưng, sau 2 tháng hè, ngành du lịch sẽ phát triển như thế nào lại là một vấn đề cần được nhắc tới.

Thời gian gần đây, đặc biệt từ sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch dường như có thời gian nhìn lại để chọn hướng đi bền vững hơn, làm mới chính mình. Để tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách hàng, các công ty đang đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ có sản phẩm đặc trưng của một điểm đến mà còn xây dựng nhiều điểm mới, kết hợp các điểm tham quan thành chuỗi để du khách không bị nhàm chán, sẵn sàng quay trở lại. “Mùa nào thức đấy” là một hướng đi hiện nay của các đơn vị kinh doanh du lịch. Bởi thay vì để khách phải dồn dập mua tour vào những dịp cao điểm như hè hay nghỉ lễ thì các sản phẩm sẽ được đa dạng hóa, nhằm giãn cách thời gian trải nghiệm dịch vụ, đồng thời cũng là một bước đi bền vững cho ngành.

Toàn ngành du lịch đang quay trở lại với khách nội địa nên chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao. Nhiều dịch vụ 4 sao, 5 sao trước đây phần lớn dành cho khách quốc tế thì nay được phục vụ cho khách nội địa, thậm chí có thêm nhiều ưu đãi. Đặc biệt, các gói trải nghiệm cho đối tượng học sinh năm nay được xây dựng mới nhiều hơn trong mùa cao điểm du lịch. Như các năm học trước, thời điểm tháng 2, tháng 3 và tháng 4 được lựa chọn để tổ chức các chuyến trải nghiệm cho mùa kỷ yếu.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động dã ngoại của các em trong năm bị hoãn.  Đáp ứng yêu cầu của đối tượng này, đồng thời kích cầu du lịch, hàng loạt các gói hỗ trợ với nhiều dịch vụ chất lượng cao được cung cấp ngay trong mùa hè. Trong đó, điểm đến thiên nhiên được ưu tiên chọn nhiều nhất. Theo ghi nhận từ một số đơn vị cung cấp các tour du lịch, mức giá đều giảm như tour Nha Trang 4 ngày, 3 đêm giảm từ 1,74 triệu đồng xuống còn 1,69; tour Phú Quốc 3 ngày, 2 đêm giảm từ 4.99 triệu đồng xuống còn 3,79 triệu đồng; tour Đà Nẵng - Hội An 3 ngày, 2 đêm giảm còn khoảng 2,8 triệu đồng…

Ngay như với loại hình du lịch mạo hiểm thì Oxalis được biết đến là công ty duy nhất tổ chức thám hiểm hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, du khách muốn tham quan những tour khám phá này cần phải đặt trước ít nhất 2 tháng đến 2 năm và trải qua các điều kiện khắt khe về sức khỏe. Thế nhưng hiện nay, do khách quốc tế chưa thể quay trở lại Việt Nam nên Oxalis nhanh chóng tập trung vào các tour tham quan và trải nghiệm hoạt động ngoài trời, chèo thuyền kayak trong khuôn viên Vườn quốc gia, bơi trong sông ngầm tại hệ thống hang Tú Làn… Mức giá hiện giảm khoảng 16 - 20% và theo báo cáo hiện có khoảng 1.000 khách Việt tham gia mỗi tháng. 

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò lần đầu tiên tổ chức tour tham quan vào buổi tối với tên gọi “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, mở cửa vào các tối thứ 6 - 7 và chủ nhật hằng tuần và chỉ dành cho du khách trên 16 tuổi. Hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến du lịch của thành phố Hà Nội, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục về tinh thần yêu nước đối với giới trẻ. Một loạt các địa phương đang tích cực triển khai biện pháp kích cầu, hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, đồng thời tận dụng tối đa ưu thế mà Việt Nam đang có để ghi dấu du lịch Việt trên bản đồ quốc tế.

Theo dự báo, thời gian tới, du lịch Việt nói riêng sẽ có thêm các yếu tố mới cho việc phục hồi, không chỉ dừng lại ở 3 yếu tố như hiện nay là: an toàn cho sức khỏe, điểm đến gần, chi phí hợp lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch Covid-19.