Hội quá đà, tan nhà cửa

ANTĐ - Đối với nhiều người, du xuân, trẩy hội là để cầu may mắn cho người thân, bình yên cho gia đình. Nhưng cũng không ít người mải vui, khiến cho gia đình ly tán.

 Không nên mải chơi lễ hội mà quên giữ gìn hạnh phúc gia đình

Hội nóng - bếp lạnh

Gia đình anh Nguyễn Công Minh (quận Hà Đông) cứ vào dịp Tết là lại rối như tơ vò. Nguyên nhân cũng vì chị Định – vợ anh mê chùa chiền lễ bái, thích tham gia hội hè. Lúc nào chị cũng lý luận: “Nhờ có tôi lòng thành mà gia đình làm ăn phát đạt, con cái khỏe mạnh, học hành tấn tới”. Chùa chiền, miếu mạo quanh vùng chị đi không sót cái nào. Tết chưa hết, chị đã tấp tểnh đi trẩy hội chùa Hương, hội đền Gióng,  hội Lim, hội Dâu… Chị thích cầu tiền cầu bạc ở phủ Dầy, cầu an ở chùa Quán Sứ, cầu may ở chùa Thầy… Mùng 7 chị đi chợ Viềng, ngày 15 chị lại có mặt ở lễ hội đền Trần (Nam Định), rồi chạy qua chùa Bái Đính (Ninh Bình), vài ngày sau chị lại sì sụp ở chùa Keo (Thái Bình)… Hết cầu may, cầu lộc lại giải hạn. Chùa nào chị cũng công đức dăm trăm, một triệu đồng. Tiền cứ rải như lá tre. Không những thế, ngày Tết đối với các gia đình khác thì ấm áp, sum vầy nhưng chị Định chẳng thiết tha gì. Lúc nào chị cũng lúi húi với đống sớ, tiền vàng, đồ cúng. “Hai vợ chồng cật lực làm được ít tiền nhưng cô ấy đốt thành tro. Lúc nào cô ấy cũng lớn tiếng: “Tôi lòng thành là vì gia đình”. Nhưng cô ấy chẳng biết rằng bếp lạnh thì tình cũng lạnh lẽo. Con cái xa lạ, chồng chán ngán, mệt mỏi” – anh Minh than phiền. 

Còn gia đình chị Lê Thị Cúc (Ba Đình) cũng nháo nhào vì không có người trông con và bố mẹ già do người giúp việc còn bận đi… hội. “Hai vợ chồng đều đi làm từ mùng 6 Tết, trong khi hai con nhỏ vẫn nghỉ học. Bố mẹ già đã trên 70 tuổi, lại từng bị tai biến, hay lẫn, chậm tay chậm chân nên lúc nào cũng cần có người trông nom bên cạnh. Nhưng người giúp việc thì xin nghỉ trước Tết 1 tuần, hứa như đinh đóng cột là mùng 5 Tết sẽ lên, nhưng sắp rằm mà vẫn biền biệt. Tôi điện thoại về giục thì bảo phải đi hội làng, hội xóm xong mới lên. Gia đình cứ tít mù. Hai vợ chồng lúc nào cũng cãi cọ, cáu bẳn vì xoay như chong chóng” – chị Cúc tâm sự. Có năm, chị phải đánh ô tô về tận quê để rước người giúp việc lên, vừa van lạy, vừa tăng lương mới có thể khiến họ bỏ hội làng mà lên làm việc. 

Năm nào sau Tết, các doanh nghiệp cũng lao đao vì thiếu lao động. Số công nhân bỏ việc để ở nhà tham gia hội hè là không ít. Bà Lê Thị Túy (chuyên gia tâm lý Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho biết: “Đi chùa, cầu may, cầu an là một tục lệ đẹp đẽ của người dân Việt. Tuy nhiên, nếu vì đi chùa, lễ hội mà bỏ bê gia đình, công việc, làm người thân mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến công việc lẫn cuộc sống gia đình thì không thể được. Nếu nhiều tiền nhiều lộc mà tình cảm vợ chồng sứt mẻ, nếu vui chơi mà mất việc, đói nghèo thì đi lễ lạt, hội hè cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Tệ nạn và bạo lực

Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận một trường hợp tự tử vì mâu thuẫn với chồng. Chị Nguyễn Thị L. (Quảng Ninh) đã uống axit để tự tử ngay trong dịp Tết. Theo lời kể của người nhà, suốt từ trước và trong Tết, chồng chị sa đà vào các chiếu bạc. Hội làng, hội đền, hội chùa, anh em họ hàng tụ tập đều có các chiếu tổ tôm, xóc đĩa. Chồng chị thua nhiều nên càng cay cú gỡ, mang hết tiền tiêu Tết trong nhà đổ vào chiếu bạc. Tiếc tiền, chị L. dằn hắt với chồng thì bị anh ta mắng chửi thậm tệ. Đau buồn, chị đã tuyệt vọng muốn chết. Tuy được cấp cứu qua cơn nguy kịch nhưng cái thai mới hai tháng tuổi đã bị sảy. Nằm trên giường bệnh, chị L. chỉ biết khóc. Chị mất Tết, mất con và chẳng muốn nhìn mặt chồng. 

Còn anh Mai Anh Hùng (Đống Đa) đã nằm ở bệnh viện Việt Đức vì tai nạn giao thông suốt từ năm trước sang năm sau. Vợ con, bố mẹ đều mất Tết vì phải chăm anh trong viện. Trước đó cả tháng, các cuộc nhậu nhẹt mừng dự án thành công, tất niên, mừng năm mới, cảm ơn khách hàng, tổng kết câu lạc bộ, các nhóm bạn bè, đối tác các kiểu khiến anh chìm trong rượu. Tối nào anh cũng về nhà muộn, hơi men sặc sụa đến mức vợ con phải “bịt mũi”. Cho dù vợ có cảnh báo thế nào anh vẫn hiên ngang “không sợ chết”. Tối 28 Tết, sau cuộc vui với đối tác, anh vẫn điều khiển xe máy về nhà và tự đâm vào cột điện, bị gãy xương đùi và rạn xương sọ. Hiện bác sĩ vẫn phải theo dõi vì sợ não bị ảnh hưởng. “Tôi nhìn anh ấy nằm trên giường mà lòng cảm thấy phẫn nộ. Thương thì thương thật nhưng đây chính là kết cục đã nhìn thấy trước. Tuy nhiên, dù tôi nói thế nào, anh ấy vẫn không hạn chế uống rượu” – chị Hà – vợ anh Hùng thở dài. Mất Tết, số tiền mà anh chị chắt bóp cả năm cũng đã chi hết vào viện phí. 

Bà Nguyễn Thu Thúy – chuyên viên Trung tâm nghiên cứu Khoa học giới, phụ nữ và trẻ vị thành niên (CSAGA) cho biết, Tết là dịp nghỉ ngơi dài ngày nên nhiều nam giới thường xuyên uống rượu, say xỉn và không kiềm chế được hành vi, thường có bạo lực với vợ. Ngoài ra, họ còn mất rất nhiều tiền vào các trò cờ bạc. Người vợ sẽ xót tiền, chì chiết chồng và người chồng trong cơn cay cú đỏ đen, cộng hơi men sẽ dễ có hành động đánh đập, bạo lực với vợ. 

Theo Điều tra Quốc gia về bạo lực gia đình, trên 60% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu. Đó là chưa kể các báo cáo khác cũng cho thấy, 40% các vụ tai nạn giao thông, 22% vụ ngộ độc, 7% ca tâm thần đều có liên quan đến rượu bia. Điều này để lại hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân và gia đình.