Hội nghị G7 - Cú hích cho "thị trấn ngủ quên"

ANTD.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 43 vừa diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-5 tại thị trấn ven biển Taormina trên đảo Sicily ở miền Nam Italy. Chủ nhà kỳ vọng với lần đăng cai Hội nghị G7 này, cái tên Taormina sẽ trở thành một điểm đến mới trên bản đồ du lịch thế giới.

Một góc thị trấn Taormina - nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italy năm 2017

Dịp này, Sicily - “hòn ngọc của biển Ionia - Địa Trung Hải” là nơi diễn ra sự kiện lịch sử với việc tiếp đón 4 vị nguyên thủ lần đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh G7, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ngay cả Chủ tịch Hội nghị, tân Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni.  

An ninh được đặt lên hàng đầu

An ninh đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7, nhất là mới đây đã xảy ra vụ đánh bom khủng bố tại sân vận động ở Manchester của Anh, cướp đi sinh mạng của 22 người. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Italy, khoảng 10.000 nhân viên an ninh được bố trí triển khai quanh khu vực, bao gồm thị trấn lân cận Giardini Naxos, nơi những người biểu tình và phương tiện truyền thông được phong tỏa khỏi sự kiện chính. Như vậy là, 11.000 cư dân Taormina cùng toàn bộ các quan khách quốc tế dự Hội nghị G7 bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài trong dịp cuối tuần này.

Với 2.900 nhân viên được tăng cường tại thị trấn Taormina, các lực lượng an ninh và cảnh sát Italy đã triển khai công tác đảm bảo an ninh 3 vòng ở mức cao nhất. Bộ Nội vụ đã giao cho Ủy ban Phân tích chống khủng bố chiến lược (CASA) nhiệm vụ điều phối trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết.

“Có lẽ không phải ai cũng biết Taormina nhưng giờ nó đã nổi tiếng và G7 là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi. Trên thế giới không còn nhiều nơi vẫn chưa được phát hiện hoặc tái phát hiện như thế này”

Giuseppe Statuto, Giám đốc điều hành khách sạn San Domenico Palace 

Ngoài ra, những bất cập về mặt đô thị của Taormina khi tổ chức một sự kiện tầm cỡ như G7 cũng là mối quan tâm của nước chủ nhà ngay từ đầu năm. Đường ở đây hẹp và quanh co, điển hình cho những ngôi làng miền Nam nước Ý khiến cho đội ngũ an ninh thấy điên đầu, đặc biệt là đoàn an ninh của Tổng thống Donald Trump với yêu cầu phải cung cấp vài lối thoát để lựa chọn.

Theo báo Ý La Repubblica, cơ quan mật vụ Mỹ đã yêu cầu thành phố mở rộng đường từ bãi đỗ trực thăng đến Trung tâm Hội nghị là Khách sạn San Domenico Palace vì đường ở đây quá nhỏ so với đoàn xe hộ tống của Tổng thống Mỹ. Chính quyền địa phương đã gấp rút thực hiện nhưng việc mở rộng đường tối đa cũng chưa đáp ứng được như yêu cầu.

Sau G7 là gì?

Cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã chọn thị trấn này - Taormina thay vì Florence để tái khởi động Sicily, khu vực dính khá nhiều bê bối thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Taormina cũng là một trong những địa điểm thường xuyên đón người di cư vượt biển Địa Trung Hải, vì thế, nó sẽ mang tính biểu tượng khi cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ là một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự G7 năm nay. Và quả thực, vẻ đẹp tự nhiên cùng các di tích khảo cổ của thị trấn này khiến đây là một nơi hoàn hảo để quảng bá hình ảnh cho đất nước Italy.

Thị trấn ven biển Taormina nằm ở độ cao 206m so với mực nước biển, đối diện với núi Etna đã có lần được nhà văn Ernest Hemingway mô tả “đẹp đến nao lòng”. Với lịch sử con người định cư đầu tiên từ năm 392 trước công nguyên, Taormina hiện có 6.000 phòng lưu trú cho du khách, 12 khách sạn 5 sao và đón 1,1 triệu khách du lịch trong năm 2016. Nhiều năm nay, Taormina cũng nổi tiếng với các liên hoan phim và âm nhạc quốc tế.

Taormina từng phát triển mạnh mẽ từ những năm 1970 nhưng sau đó chững lại, vì thế nhiều người coi đây là cú hích để giới thiệu lại với du khách khắp nơi trên thế giới.  “Sau khi Hội nghị G7 kết thúc, Taormina sẽ bắt tay vào chỉnh trang các khu khảo cổ. Bước tiếp theo là bắt đầu tiến trình đề nghị công nhận Khu di sản thế giới của UNESCO sau những uy tín quốc tế được cải thiện gần đây”, Mariarita Sgarlata - một chuyên gia về khảo cổ tại Đại học Catania cho biết.