Hội nghị ADMM+: Nguy cơ từ việc hủy bỏ tuyên bố chung

ANTĐ - Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 đối tác khu vực (ADMM+) lần thứ ba đã khai mạc sáng 4-11 tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, dự định cuối ngày sẽ ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thực hiện được và hội nghị chỉ ra tuyên bố của Chủ tọa.

Hội nghị ADMM+: Nguy cơ từ việc hủy bỏ tuyên bố chung ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham dự ADMM+

Tranh cãi liên tiếp

Tham dự Hội nghị ADMM+ lần này có các Bộ trưởng Quốc phòng và trưởng đoàn của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ. Truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết, Trung Quốc muốn ép các nước ASEAN loại bỏ các nội dung nêu quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông ra khỏi tuyên bố chung.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên nói: “Dĩ nhiên, một số nước ASEAN không đồng tình với ý kiến này. Bất đồng đã phản ánh thực tế chia rẽ trong nội bộ khối mà nguyên nhân là từ hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc”. Các đại diện Mỹ tham dự hội nghị cho rằng tốt hơn hết là các bên không ra tuyên bố chung, chứ không nên ra một tuyên bố chung mà không đề cập tới vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo Reuters, Mỹ và Nhật Bản là hai nước muốn đưa các quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vào tuyên bố chung. Ý tưởng này đã được nước chủ nhà Malaysia và một số nước, trong đó có Philippines ủng hộ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn lớn tiếng chỉ trích “một số nước” bên ngoài ASEAN, ám chỉ Mỹ và Nhật Bản đã “tìm cách áp đặt nội dung tuyên bố chung”. Trên trang mạng chính thức, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh các nước này “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” về việc ADMM+ không ra được tuyên bố chung.

Trung Quốc từ trước tới nay luôn tỏ thái độ gay gắt với những hành động và tuyên bố có tính phản đối từ phía Mỹ. Ngày 3-11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng nhiệm Mỹ Ashton Carter. Trong cuộc gặp qua cầu truyền hình kéo dài 40 phút, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói với Bộ trưởng Carter rằng Trung Quốc “kêu gọi Mỹ chấm dứt các lời nói và việc làm sai lầm, không có thêm các hành động nguy hiểm nhằm đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”. Trước đó, vào ngày 27-10, Mỹ đã điều chiến hạm USS Lassen tới vùng biển 12 hải lý (22km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. 

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 3-11 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc không đồng tình với việc làm này và sẽ có phản ứng cụ thể. Bà này nêu rõ: “Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình trên biển và không phận tại Biển Đông… Trung Quốc cương quyết đáp trả những thách thức có dụng tâm xấu của mọi quốc gia”. 

Nguy cơ từ những bất đồng

Cuộc họp tại Malaysia đã thu hút sự chú ý của giới phân tích chính trị bởi cuối năm 2015 là thời điểm hoàn tất kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), bước đi đầu tiên hướng tới hình thành một cộng đồng duy nhất trong lĩnh vực an ninh và xã hội khu vực. Tuy nhiên, con đường xây dựng cộng đồng này đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn. 

Đài Sputnik (Nga) dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị Nga, Giám đốc Trung tâm ASEAN tại MGIMO - ông Viktor Sumsky - cho rằng thách thức nảy sinh từ những mâu thuẫn căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ - hai đối tác quan trọng của ASEAN - tại Biển Đông. Ông Sumsky nói: “Lập trường của Malaysia - nước chủ tọa Hội nghị ADMM+ lần này cũng như một số nước ASEAN khác là tránh quốc tế hóa quá mức các tranh chấp ở Biển Đông. Malaysia cũng giữ lập trường tương tự đối với việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, họ lại không đưa ra được giải pháp cụ thể và đồng bộ cho các tranh chấp lãnh thổ.” 

Trong khi đó, một số quốc gia khác lại giữ quan điểm trái chiều. Philippines đã đệ đơn kiện chống Trung Quốc ở Toà án Trọng tài Quốc tế The Hague về 3 vấn đề:

Thứ nhất, đó là tính chất vô hiệu lực trong các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với biển đảo, đáy biển và dưới đáy biển trong cái gọi là “đường lưỡi bò” vượt ra ngoài lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ hai, việc Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế trên các đảo đá và rạn san hô ở Biển Đông là mâu thuẫn với Công ước. Và thứ ba, Trung Quốc thực hiện các yêu sách trên là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines là một đồng minh của Mỹ, bởi vậy quốc gia này đã nhanh chóng ủng hộ kế hoạch triển khai tàu tuần tra nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Washington tiến hành. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày một tăng của Mỹ trong khu vực dường như sẽ càng đẩy khối ASEAN vào thế khó xử, nhất là khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.

Tất cả các nước trong khu vực đều hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và kêu gọi nỗ lực vì điều này.