Hỏi mãi vẫn bức xúc

ANTĐ - Ngày 24-11, Quốc hội bước vào ngày thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Liên tiếp 3 thành viên Chính phủ đã đăng đàn để làm rõ những vấn đề các ĐBQH nêu.

Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, so với yêu cầu còn bất cập và yếu kém


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Có đại học cung cấp hàng giả, hàng nhái!

Giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ cuối khóa trước nhưng đây mới là lần đầu tiên ông Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Thử thách lần này có lẽ không dễ đối với ông bởi GD-ĐT luôn là lĩnh vực hàm chứa nhiều bức xúc xã hội.

Bức xúc với chất lượng giáo dục đại học, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi: “Sinh viên ra trường khá giỏi chiếm tỷ lệ rất cao nhưng thực tế chất lượng ngày càng thấp, nhiều trường cung cấp hàng giả, hàng nhái cho xã hội, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?”. Trình bày khá dài dòng về việc thành lập các trường đại học gần đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, số trường ĐH mới thành lập đã giảm dần trong mấy năm gần đây. Chưa có trường ĐH nào được mở mà nằm ngoài quy hoạch. Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, đang thừa các trường yếu kém, thiếu trường chất lượng tốt. Ông cũng thừa nhận: “Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, so với yêu cầu còn bất cập và yếu kém. Chính vì vậy, chúng ta mới đặt ra yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện…”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: “Bộ nói kiểm tra nhiều trường không bảo đảm chất lượng, tại sao vẫn cho đào tạo, trách nhiệm của ai?”. Bộ trưởng đáp: “Hiện chưa phát hiện cơ quan quản lý nào sai phạm nên chưa có xử lý. Nhưng đúng là có những sai sót trong kiểm tra. Đoàn kiểm tra xuống thì trường dẫn đến một cơ sở khác. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và xin rút kinh nghiệm trong quá trình thanh tra sau này”. Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Thành Tâm nghi ngờ, “vì sao đoàn thanh tra lại ngây thơ đến mức để cho các trường lừa một cách dễ dàng?”.

Không chỉ xoáy vào đại học, một số ĐBQH bày tỏ sự nghi ngờ chất lượng giáo dục phổ thông khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng trong nhiều năm qua, hàng trăm trường tốt nghiệp 100%, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên đỗ 100%, trong khi môn Sử thì kết quả quá thấp với hàng nghìn điểm 0. Trả lời, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết bản thân ngành cũng nhận thấy kết quả tốt nghiệp THPT quá cao là có vấn đề.

Trước chất vấn của các ĐBQH về giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Chúng tôi có thiếu sót là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của bậc học này, nên giờ mới tiến hành phổ cập mầm non 5 tuổi.  Lương của giáo viên mầm non cũng thấp hơn”, ông hứa hẹn, tới đây sẽ có nhiều chính sách đối với với bậc học này, trong đó có việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Giá điện sẽ tăng ở mức…kiềm chế

Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng phần hỏi đáp của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ được một số ĐBQH đánh giá là “lưu loát, lý lẽ xác đáng”.

Trả lời hàng loạt các câu hỏi về điều hành giá điện, xăng dầu… Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói, cần kiên trì nguyên tắc thị trường, tức là không bao cấp tràn lan và đảm bảo doanh nghiệp có mức lãi phù hợp. Bộ trưởng cho biết, kịch bản giá điện năm 2012 vẫn theo nguyên tắc điều chỉnh dần. Ông nói: “Giá điện 2012 sẽ tăng nhưng ở mức kiềm chế. Giá bán cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp và các hỗ trợ khác vẫn giữ như hiện nay và mức tăng của các hộ thu nhập trung bình cũng sẽ thấp hơn mức tăng bình quân. Cụ thể, giá thành của điện khoảng 1.242 đồng/Kwh, tăng 4,6% so với mức hiện hành”.

Đồng tình với ý kiến ĐBQH về tình trạng hao phí điện năng của Việt Nam hiện còn cao so với khu vực, Bộ trưởng phê bình: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cố gắng nhưng quan tâm chưa đúng mức! Chúng tôi đã hỏi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rằng, các đồng chí nghĩ sao khi tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên, liệu EVN có làm được thế không để giảm giá thành điện?”.

Về câu chuyện lãi - lỗ tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Bộ trưởng cho biết, kết quả kiểm toán chỉ ra, Petrolimex năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi. Kiểm tra sơ bộ vừa rồi cho thấy, nếu không có biến động tỷ giá đầu năm 2011, Petrolimex vẫn có thể lãi.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề cập tới lương của cán bộ, công nhân viên EVN. Ông nói: “EVN vẫn là doanh nghiệp Nhà nước nên tiền lương do Nhà nước quy định, đơn giá tiền lương của cán bộ EVN do Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn. Lẽ ra khi công bố, lãnh đạo EVN phải phân tích chi tiết thì sẽ tạo sự chia sẻ của dư luận”.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đứng lên chất vấn: “Lương cao tốt thôi nhưng nếu làm ăn lỗ nặng, phục vụ chất lượng chưa tốt thì sao cử tri đồng tình được? Người dân, doanh nghiệp chỉ có một con đường mua hoặc bán điện với EVN, độc quyền còn kéo dài tới bao giờ?”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp: “Bao giờ ngành điện mới hết lỗ? Có nên chịu đau một lần, cho tính đúng, tính đủ chi phí đi, để rồi từ đó không phải lo tăng giá điện nữa không?”.

Đồng tình với ĐB Nga, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói: “Phải tính toán tới việc cơ cấu lại thị trường điện. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc này”. Ông thẳng thắn: “Tôi cũng nghĩ, đồng lương phải tương ứng với hiệu quả kinh doanh và đúng chế độ chính sách. Tôi đồng ý với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc cần rà soát lại xem tính hợp lý của khoản lương 7,3 triệu đồng/tháng”. Bộ trưởng trả lời hài hước để giảm căng thẳng khi trả lời ĐB Ngô Văn Minh: “Chịu đau một lần sợ không nổi, khéo lại ngất luôn nên phải từ từ để tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế…”. Ngay sau đó, ông lại rất nghiêm túc khi trả lời ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về giải pháp căn cơ điều hành quản lý giá: “Giải pháp cơ bản nhất là minh bạch, công khai, trách nhiệm. Chính sách chưa phù hợp phải sửa, doanh nghiệp phải hoạt động minh bạch, công khai lãi lỗ. “Tôi khẳng định, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp…” - Bộ trưởng nói.

 Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” các bộ trưởng

Nhận xét phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phiên chất vấn rất thẳng thắn và phong phú, sôi nổi. Tuy vậy, trước đó, phần trả lời của Bộ trưởng nhiều lần bị Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nên đi thẳng vào trọng tâm, không vòng vo.

Về Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, hỏi cụ thể, trả lời thấu đáo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Giá thị trường là tất yếu. Nếu không theo nguyên tắc này, mọi thứ sẽ bị méo mó, không thể vận hành nền kinh tế lành mạnh, chất lượng cao được. Chúng ta nên mạnh dạn tiếp tục điều hành theo hướng này. Tất nhiên, lộ trình phải tốt để bước đi nhịp nhàng. Phải đi từng bước chắc chắn, có chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách…”.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không theo thị trường, không xóa được độc quyền

Trao đổi thêm với các ĐBQH về vấn đề tiếp cận giá thị trường của các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Lộ trình đã có, chỉ là tốc độ đi như thế nào thôi. Thị trường ở đây là cạnh tranh minh bạch, chống độc quyền, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Phải làm từng bước một bởi cần tính tới ổn định kinh tế vĩ mô và sức chịu đựng của nền kinh tế. Nếu không đưa giá tiếp cận thị trường, sẽ không cách gì xóa được độc quyền. Nếu cố níu giữ cơ chế giá bao cấp, sẽ không bao giờ có đủ hàng hóa, rồi còn phát sinh thêm xin - cho, tiêu cực…”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Bà con gửi tiền cũng có lúc bị thiệt

Mở đầu phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) yêu cầu Thống đốc cho biết, hiện có bao nhiêu ngân hàng yếu kém cần đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ? ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn: “Chính sách dường như lợi cho ngân hàng lớn, bất lợi với ngân hàng nhỏ? Lãi suất cao, doanh nghiệp khó vay trong khi lãi huy động “ép” xuống 14%, người dân thiệt còn ngân hàng có lợi, Thống đốc giải thích thế nào?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: “Có người nghĩ là hệ thống ngân hàng yếu kém quá nên mới phải tái cơ cấu. Có nguyên nhân đó nhưng chưa tới mức như vậy”. Ông cũng tiết lộ, hiện nay, có 8 ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hoạt động chưa được lành mạnh, nghĩa là không quá 5% tổng số ngân hàng.

Về trần lãi suất huy động 14%, Thống đốc khẳng định, mức đó được quy định vào cuối năm 2010 và phù hợp với mức lạm phát dự kiến (7%) vào thời điểm đó. Ông nói: “Sau đó, lạm phát lên cao, bà con gửi tiền có phần bị thiệt. Ít tháng gần đây, lạm phát đã chững lại, trần lãi suất 14% lại trở lại ý nghĩa tích cực. Hiện nay, cho vay phổ biến ở 17% hoặc thấp hơn. Có thể có một bộ phận doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì nhiều lý do. Tôi có hỏi thì ngân hàng nói: “Chúng em đang đốt đuốc tìm doanh nghiệp để cho vay” nhưng phải là doanh nghiệp lành mạnh”. Ông dự báo: “Hiện nay, lạm phát giảm là tiền đề để hạ trần lãi suất huy động…”.

Ông Ya Duck (Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): Hỏi một đằng trả lời một nẻo

Tôi chưa thỏa mãn với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Phạm Vũ Luận. Những câu trả lời của Bộ trưởng chủ yếu dựa vào các văn bản, Nghị định của Chính phủ và những vấn đề đó thì các ĐBQH đều đã rõ. Chúng tôi nêu vấn đề tại sao cứ tổ chức dạy thêm, học thêm một cách tràn lan và các giải pháp sắp tới của Bộ GD - ĐT là gì, thì Bộ trưởng không trả lời rõ ràng. Giả sử, cách Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề là tới đây, Bộ GD - ĐT sẽ kiên quyết không cho dạy thêm, học thêm và giao cho Sở GD - ĐT các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm. Trả lời như vậy là đủ và không còn ý kiến nào thắc mắc được.

Theo tôi, trước khi Bộ trưởng trả lời chất vấn phải có sự kiểm tra thật kỹ dưới cơ sở xem họ làm được những gì và còn tồn tại những gì, phải tháo gỡ ra sao? Cứ ngồi một chỗ, chờ cấp dưới báo cáo mà không nắm vững những khó khăn ở cơ sở thì không ổn. Đến khi ĐBQH hỏi một đằng, Bộ trưởng trả lời một nẻo thì chất vấn sẽ không có hiệu quả và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.

Ông Đào Trọng Thi (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ĐBQH TP Hà Nội): Chất lượng câu hỏi chất vấn chưa tốt

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT có vẻ hơi lúng túng khi đăng đàn và nghe các câu hỏi thì chưa khái quát lại được, nên trả lời chất vấn chưa đúng trọng tâm và chưa chọn được nội dung cần thiết để tập trung giải trình trong điều kiện thời gian có hạn.

Tôi cũng phải nói rằng, chất lượng các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng cũng không tốt, dẫn đến Bộ trưởng trả lời chưa được tập trung. Về các giải pháp mang tính chất đột phá và căn cơ để giải quyết những tồn tại của giáo dục hiện nay, Bộ trưởng chưa đưa ra được bởi đây là yêu cầu quá cao. Theo tôi, trả lời chất vấn của Bộ trưởng mà đưa ra được giải pháp thì rất tốt, nhưng cũng cần phải nhận xét Bộ trưởng đã quan tâm đến vấn đề đó và đây là mục đích rất quan trọng của chất vấn. Chúng ta đừng nghĩ cuộc chất vấn này sẽ giải quyết ngay những vấn đề lớn và đòi hỏi như vậy theo tôi là không phù hợp trong chất vấn. 

Bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên): Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời thẳng thắn, dứt khoát

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nắm rất chắc vấn đề, nói năng lưu loát, thái độ trả lời chất vấn rất thẳng thắn và dứt khoát. Tôi đánh giá cao về cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Về thái độ của Bộ trưởng trong việc điều hành giá xăng dầu rất rõ ràng. Tôi có niềm tin vào vị Bộ trưởng này.

Về các khoản chi phí xăng dầu hay những vấn đề liên quan đến lỗ, lãi của ngành điện, Bộ trưởng trả lời thẳng đã có kiểm toán rồi và tôi tin vào các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc đó.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng - ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): Các bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn

Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời rất kín kẽ và chặt chẽ. Chất vấn và trả lời chất vấn là những vấn đề rất quan trọng, nhằm làm cho Quốc hội tốt lên và Chính phủ tốt lên. Nếu chất lượng câu hỏi chất vấn sâu sắc, sẽ giúp cho Bộ trưởng có sự suy nghĩ kỹ càng và đưa ra những quyết sách tốt hơn.

Theo tôi, trong phiên chất vấn hôm 24-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời rất tốt các câu hỏi chất vấn vì đã chuẩn bị kỹ tài liệu để phục vụ yêu cầu chất vấn của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời chưa thật sát với câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, các bộ trưởng đều đã đáp ứng được yêu cầu chất vấn của các ĐBQH và cử tri.

Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn

Ngày mai, 25-11, theo nghị trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội. Thủ tướng sẽ làm rõ thêm những nhóm vấn đề như điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2011-2012 và những năm tiếp theo; tái cấu trúc nền kinh tế; thực hiện 3 khâu đột phá; công tác giảm nghèo... Vào đầu giờ sáng, Quốc hội sẽ dành khoảng 90 phút để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình “trả bài” nốt những câu hỏi mà các ĐBQH đã nêu vào cuối chiều nay.