Hồi kết của nữ phóng viên nổi tiếng Nhà Trắng

(ANTĐ) - Tuy đã 89 tuổi, nhưng vụ từ chức của Helen Thomas, nữ phóng viên nổi tiếng Nhà Trắng cũng khiến giới chuyên môn và dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm bởi bà đã đặt câu hỏi cho 10 Tổng thống (từ John F. Kennedy). Ngoài ra, bà Helen Thomas đã từ chức vào đúng thời điểm nhạy cảm - 1 ngày trước “Ngày quốc tế các nhà báo OIJ”. Dư luận cho rằng, bà Helen Thomas thành danh nhờ những sự kiện nổi tiếng và cũng ra đi sau bình luận gây tranh cãi về Israel.

Hồi kết của nữ phóng viên nổi tiếng Nhà Trắng

(ANTĐ) - Tuy đã 89 tuổi, nhưng vụ từ chức của Helen Thomas, nữ phóng viên nổi tiếng Nhà Trắng cũng khiến giới chuyên môn và dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm bởi bà đã đặt câu hỏi cho 10 Tổng thống (từ John F. Kennedy). Ngoài ra, bà Helen Thomas đã từ chức vào đúng thời điểm nhạy cảm - 1 ngày trước “Ngày quốc tế các nhà báo OIJ”. Dư luận cho rằng, bà Helen Thomas thành danh nhờ những sự kiện nổi tiếng và cũng ra đi sau bình luận gây tranh cãi về Israel.

Bà Helen Thomas với Tổng thống Barack Obama
Bà Helen Thomas với Tổng thống Barack Obama

Theo tờ Hearst (Hearts Newspaper), bà Helen Thomas quyết định nghỉ hưu sau khi phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs đưa ra bình luận tại cuộc họp báo hôm 7-6 và Hiệp hội phóng viên Nhà Trắng cũng có tuyên bố hiếm hoi, theo đó tuyên bố của bà mang tính công kích, đáng bị khiển trách và không thể bào chữa.

Tờ Hearst, nơi bà Helen Thomas đang công tác cũng đã xác nhận thông tin này. Ngày 27-5, bà Helen Thomas đã nói rằng, người Do Thái hãy cuốn khỏi Palestine và nên tới Đức, Ba Lan hay Mỹ. Ngay sau khi bị chỉ trích từ nhiều phía, bà Helen Thomas đã công khai xin lỗi về lời bình luận kể trên. Nhiều người nói rằng, sau 67 năm kể từ năm 1943 hoạt động trong lĩnh vực báo chí, bà Helen Thomas buộc phải quyết định nghỉ hưu không phải vì tuổi cao, sức yếu, mà bởi một lời bình luận.

Dư luận quan tâm tới những tuyên bố, bình luận của bà Helen Thomas bởi nữ phóng viên này luôn xuất hiện tại các cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ và thường đưa ra những câu hỏi hóc búa, khó trả lời. Là một tên tuổi được nể trọng trong làng báo thế giới, được đánh giá là một huyền thoại của làng báo Mỹ kể từ thập niên 1960 với những tường trình về các diễn biến trong chính quyền của 10 đời Tổng thống.

Cách đây 4 năm, bà Helen Thomas đã nhận được 1.300 bông hồng từ khắp nước Mỹ gửi tới. Đây là những bông hoa của mọi người gửi tới nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với những câu hỏi hóc búa, thẳng thắn của bà Helen Thomas về tình hình Iraq trong một cuộc họp báo với cựu Tổng thống Bush.

Người Mỹ bắt đầu gửi hoa cho bà Helen Thomas sau cuộc họp báo hôm 21-3-2006 và đây là sáng kiến của bà Clarity Sanderson, nhà hoạt động của Đảng Dân chủ tại bang Utah. Khi đó, bà Helen Thomas là người chỉ trích gay gắt cuộc chiến tranh Iraq của cựu Tổng thống Bush nên đã nhận được hàng trăm thư, tin nhắn của những người ủng hộ Đảng Cộng hòa - họ gọi bà là “kẻ phản bội”.

Bà Helen Thomas cũng từng có tuyên bố gây chấn động nước Mỹ - sẽ tự tử nếu Phó Tổng thống Dick Cheney ứng cử Tổng thống. Gần 1 năm trước, bà Helen Thomas được Tổng thống Barack Obama chúc mừng sinh nhật tại phòng họp của Nhà Trắng.

Khi mừng lễ thượng thọ 80 vào năm 2000, người phát ngôn Nhà Trắng đã thông báo về sự ra đi của bà Helen Thomas, người phụ trách cơ quan truyền thông Nhà Trắng (hãng UPI) bởi lý do tuổi tác. Chính bà Helen Thomas cũng tuyên bố, không còn muốn lưu nhiệm bởi UPI có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của nước Mỹ, do đó cần phải có một người đủ khả năng để chèo chống.

Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng khẳng định tài năng làm báo của bà tại lễ trao giải thưởng nhân dịp Helen Thomas thượng thọ 80 tuổi. Khi đó ông Bill Clinton cũng đã nói, các đời Tổng thống đến rồi đi, riêng bà Helen Thomas là người ở lại - đã ở Nhà Trắng 40 năm và đây quả là điều không dễ dàng. Làm việc trực tiếp với 10 đời Tổng thống Mỹ nên bà Helen Thomas là phóng viên bị nhiều Tổng thống chất vấn nhất xung quanh những bài viết của mình.

Bà Helen Thomas bắt đầu viết báo từ năm 1943 tại hãng UPI và công tác tại tờ Hearst (từ năm 2000) cho tới khi quyết định nghỉ hưu hôm 8-6-2010. Giới chuyên môn bắt đầu biết tới bà Helen Thomas sau loạt phóng sự về anh em, vợ con Tổng thống John F. Kennedy.

Tuy là phụ nữ, nhưng bà Helen Thomas có tính cách của đấng nam nhi - dám xộc thẳng vào Nhà Trắng chất vấn về vấn đề thuế khi mới vào nghề. Sau thành công của loạt bài viết về vợ chồng Tổng thống John F. Kennedy, bà Helen Thomas lại cho độc giả biết về những chuyện kinh thiên động địa thời kỳ ông Nixon làm Tổng thống.

Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo của bà Helen Thomas là “cuộc chiến” giành ngôi bá chủ trong làng báo chí Mỹ với bà Katherin Braham (chết năm 2002), chủ tờ Washington Post. Vụ đánh dấu sự nổi tiếng của bà Katherin Braham cũng như sự hồi sinh của tờ Washington Post là công bố những việc làm mờ ám qua bài “Văn kiện của Bộ Quốc phòng Mỹ”. Nhưng họ đã đụng nhau khi xảy ra vụ Watergate.

Trong khi tờ Washington Post của bà Katherin Braham hoạt động hết công suất cũng là lúc bà Helen Thomas mở hết mã lực để hoàn chỉnh tư liệu viết bài và loạt bài của họ đã góp phần hạ gục Tổng thống Nixon. Cuối tháng 4-1973, Tổng thống Nixon đã thừa nhận có vụ Watergate và tháng 8-1974 buộc phải tuyên bố từ chức. Tuy cạnh tranh gay gắt, nhưng họ luôn quý trọng, phục tài của nhau và cả 2 đều đã nhận được những lời khen ngợi của bạn trong nghề, cũng như xã hội.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)