Hồi kết của một lời nguyền "độc địa" từ tranh chấp dòng sông

ANTĐ - Vụ kiện tụng tranh chấp một dòng sông giữa hai làng Thông và làng An Nhân, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đã lùi sâu vào dĩ vãng; thế nhưng người dân nơi đây vẫn truyền tụng nhau câu chuyện về một “lời nguyền” rằng trai gái hai làng thành thân sẽ nửa đường đứt gánh. 

Hồi kết của một lời nguyền "độc địa" từ tranh chấp dòng sông ảnh 1Sông Thiên Phái nay chỉ còn là con mương cấp nước cho cánh đồng của hai làng

“Cuộc chiến sông Thiên Phái”  

Đi tìm hiểu thực hư “”lời nguyền”” năm xưa ấy, chúng tôi tìm đến xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Con đường bê tông dẫn đến hai làng men theo cánh đồng lúa xanh non thì con gái, làng quê yên bình với cây đa, mái đình cổ kính. Thế nhưng ít người biết rằng vùng đất này đã từng trải qua một cuộc tranh chấp căng thẳng có tên “Cuộc chiến sông Thiên Phái”.

Đến giờ có lẽ ít người có thể nhớ được chính xác sự việc ấy xảy ra từ thời gian nào, đến các bậc cao niên làng Thông, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng chỉ có thể lờ mờ suy đoán rằng “cuộc chiến” xảy ra ít nhất cũng đã cách đây hơn 100 năm rồi.

Ông Phạm Mạnh Cường, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho chúng tôi biết, theo các cụ kể lại con sông Thiên Phái bắt nguồn từ núi Đọi Sơn, phía Nam Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chạy vòng vòng qua đất Ý Yên rồi đổ ra cống Hoàng Đan, hòa vào dòng sông Đáy. Con sông Thiên Phái là ranh giới tự nhiên giữa làng Tiêu Bảng Hạ (nay là làng Thông) và làng An Nhân (nay thuộc xã Yên Tân).

Ông Phạm Mạnh Cường nhớ lại: “Cuộc sống ngày ấy khó khăn nên dòng sông được ví như bầu sữa mẹ. Sông Thiên Phái cung cấp nước tưới tiêu cho mọi sinh hoạt hàng ngày. Sông đầy cá tôm, lại thêm đất phù sa ven sông cực kỳ tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng cấy”. Bình thường, người dân hai làng Tiêu Bảng Hạ và An Nhân vẫn cùng nhau bắt cá trên sông một cách hòa thuận hoặc san sẻ cho nhau con tôm, con tép khi đói kém, mất mùa. Mâu thuẫn giữa hai làng chỉ phát sinh bởi lũ ngoại bang.

Đó là khi người Pháp đắp cống ở thượng nguồn khiến cho lòng sông hẹp lại, dẫn đến việc cá tôm ngày càng khan hiếm. Sự cạn kiệt của nguồn mưu sinh đã khiến những người dân quê mùa chất phác trở nên hẹp bụng, hẹp lòng. Người làng nào cũng muốn dành con sông cho riêng mình và xuất hiện một ranh giới vô hình đã được định ra giữa dòng sông. 

Quyết tâm “giữ nguồn sống” cho làng 

Tất nhiên, xét trên cả lý lẫn tình, phía nào cũng cho rằng làng của mình phải được phần nhiều hơn. Ngày ấy, hễ có người dân làng nào xâm phạm địa phận được cho là của làng kia thì y như rằng đêm đó hai làng lại “bày binh bố trận”, chuẩn bị “chiến đấu”. Đình làng được trưng dụng thành nơi các bô lão bàn mưu, tính kế; mọi tráng đinh đều phải tham gia vào cuộc chiến “giữ nguồn sống” cho làng mình.

…“Chuyện đánh nhau gây án mạng chưa nghe kể đến nhưng sứt đầu mẻ trán thì nhiều vô kể. Thanh niên trai tráng làng nào cũng ngày thì lo ra đồng cày cuốc, đêm đến lại chuẩn bị gậy gộc để đi đánh nhau. Thôn An Nhân đất hẹp người thưa nên áp dụng chiến thuật “đánh du kích”. Bên kia chiến tuyến, thôn Tiêu Bảng Hạ vì đất rộng người đông nên thường “càn quét” theo kiểu lấn át, đêm đêm dùng ghe thuyền vượt sông tấn công.

Sau vài lần xô xát trực diện, thôn An Nhân biết khả năng yếu thế hơn nên sau khi bàn bạc đã thống nhất cậy nhờ đến công lý khi viết đơn khởi kiện. “Khi đó, quan tri huyện đặt câu hỏi cho cả hai làng: “Nếu cho rằng dòng sông ấy là của làng mình thì dòng sông ấy có tên là gì?”. Dân An Nhân nghe quan tri huyện hỏi mới ngớ người ra. Xưa nay người làng chỉ biết thả đăng, kiếm cá chứ có ai để ý xem con sông tên gì? Lúc ấy, người dân làng Tiêu Bảng Hạ mới trình bày: “Sông ấy là sông Thiên Phái”.

Có câu trả lời đó, quan xử dân Tiêu Bảng Hạ dành phần thắng”, ông Phạm Mạnh Cường kể lại. Thế nhưng, dân làng An Nhân lại cho rằng lý do thua kiện là do làng Tiêu Bảng Hạ khi đó có ông Phủ Ngọc là người làng, làm quan to dẫn đến kết quả vụ kiện. Thua mà không phục nên các cụ làng An Nhân đã có một lời thề độc: “Từ nay về sau, trai gái hai làng nếu lấy nhau thì sẽ đứt quãng, gãy đòn gánh, không ai được hạnh phúc tới đầu bạc răng long!”.

Hồi kết của “lời nguyền”

“Không biết các cụ thề bằng phương pháp gì nhưng “lời nguyền” độc địa lắm. Nhìn đi nhìn lại chúng tôi mới ngẫm ra rằng từ trước tới nay đã có không ít đôi trai gái hai làng lấy nhau thì đều “người đi, kẻ ở” hoặc “giữa đường đứt gánh”, không đôi nào được trọn vẹn”, ông Lương Học Hợi, một cao niên làng An Nhân cho biết. Nói rồi, ông Lương Ngọc Hợi giơ đầu ngón tay bấm đếm những đôi “cả gan” vượt qua “lời nguyền” thì số lượng cũng phải gần chục đôi, giờ đều dính… “lời nguyền”. Những cặp vợ chồng may mắn không đến nỗi lẻ bóng thì một trong hai người cũng mắc bệnh ốm đau liên miên.

Như trường hợp ông Lê Văn C. với bà Đỗ Thị L, ông C. bị tai nạn giao thông nằm liệt giường suốt hơn 20 năm nay. Còn đau buồn hơn thì phải kể đến trường hợp chàng trai Lê Văn L., người làng An Nhân có tình ý với chị Đỗ Thị N., người làng Thông. Tình yêu của họ kết tinh từ những ngày cùng đi học. Hai gia đình đã dùng nhiều phương cách nhưng không ngăn cản được tình yêu sâu đậm của đôi bạn trẻ nên cuối cùng phải chấp nhận để hai người qua lại tìm hiểu.

Ngày vu quy, mọi người đều vui vẻ chúc mừng cho đôi bạn trẻ được hạnh phúc trăm năm; nhưng đâu đó trong những lời bàn tán, vẫn có người lo lắng cho đôi trẻ bởi “lời nguyền” độc địa của cổ nhân mà trong vùng không ai không biết. “Anh L. là người rất khỏe mạnh, thế mà sau khi lấy chị N được một thời gian ngắn thì mắc bệnh qua đời khi chưa đầy 40 tuổi. Bỏ lại chị N một mình nuôi con”, anh Đỗ Văn Ôn, một người bạn của cặp vợ chồng bất hạnh cho biết. 

Trong những câu chuyện về sự ứng nghiệm của “lời nguyền”, người dân hai làng còn được nghe các cụ ở An Nhân kể về chuyện của ông Phủ Ngọc, vị quan người làng Tiêu Bảng Hạ đã nói ở trên. Đến lúc lâm chung nằm trên giường bệnh, không hiểu do ân hận, dằn vặt hay do những ám ảnh nào đó, ông đã dặn dò con cháu: “Sông của An Nhân, ruộng của làng An Nhân phải trả về cho An Nhân”.

Về câu chuyện này, cụ Lương Học Hợi lý giải: “Dân làng Tiêu Bảng Hạ không chỉ chiếm cứ dòng sông mà còn đòi cả phần ruộng bên kia sông mãi tới tận lũy tre làng tôi. Trong số những ruộng đó có cả phần đất Vua ban cho dân làng An Nhân trồng cấy, để trông nom ngôi Đình thờ Minh Quốc Uy Linh Đại Vương. Có lẽ do ngài linh thiêng nên mới phạt cả hai làng, cho ứng nghiệm “lời nguyền” độc địa”.

Mang theo những lời bàn tán trong dư luận về “lời nguyền” nghiệt ngã ấy, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Khẩu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Yên Trung thì được cho biết: “Chuyện tranh chấp ranh giới giữa hai làng ngày xưa là có thật. Nhưng tôi không tin vào sự ứng nghiệm của “lời nguyền”. Những trường hợp trai gái hai làng lấy nhau mà một trong hai người qua đời, đều là những cái chết vì bệnh tật. Trên thực tế, trên địa bàn xã vẫn đang có rất nhiều những cặp vợ chồng là người của hai làng vẫn còn sống, có những đôi đều đã trên 60 tuổi”. 

Cuộc tranh chấp của hai làng đã xảy ra cách đây cả trăm năm, con sông Thiên Phái xưa nay chỉ còn là mương cấp nước cho cánh đồng lúa của cả hai làng. Những tranh chấp xưa cũng đã được hóa giải và cả hai làng đã chung sống yên ấm, hài hòa.

Trong bối cảnh ấy, giờ đây lời đồn về “”lời nguyền”” độc địa vẫn tương truyền trong dân gian nhưng trai gái hai làng thì đã biết vượt qua những quan niệm mê muội để tự do tìm hiểu, cùng nhau đi đến hôn nhân, hạnh phúc. “”lời nguyền”” xưa thực ra chỉ là một bài học của tiền nhân về cách đối nhân xử thế truyền lại cho những thế hệ cháu con. Tình làng nghĩa xóm hay cao hơn là truyền thống bầu ơi thương lấy bí cùng mới là quan trọng nhất mà ông cha ta muốn nhắn gửi.