Hồi hộp chờ phương án thi THPT quốc gia 2017

ANTD.VN - Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 được đánh giá là khá tốt nhưng không có nghĩa năm 2017, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên mô hình này. Bộ GD-ĐT đang tích cực lấy ý kiến từ 63 sở GD-ĐT và hơn 450 trường ĐH, CĐ cả nước với xu thế chuyển giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương và các trường ĐH sẽ tự chủ hoạt động tuyển sinh.

Phụ huynh, học sinh hồi hộp chờ phương án thi 2017

Ủng hộ trả kỳ thi tốt nghiệp về địa phương

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Thắc mắc chính tập trung vào việc khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau.

Để có phương án tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng cả nước đề xuất ý kiến cho phương án này.

Thông tin sơ bộ từ Bộ GD-ĐT, đa số Sở GD-ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất đang được tiến hành gấp rút và sẽ công bố vào đầu năm học tới.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở này cũng đề xuất giao quyền tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho Sở thực hiện vì việc ra đề, tổ chức thi không khó khăn gì với các Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại vẫn là việc đảm bảo công bằng trong công tác tổ chức thi, đánh giá kết quả giữa các Sở, đặc biệt là trong trường hợp các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả thi và tính điểm học bạ vào công tác tuyển sinh.

Được biết, một trong những phương án được đưa ra là sẽ đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương tổ chức nhưng đề thi vẫn do Bộ GD-ĐT thực hiện theo hướng mới. Dự kiến, đề thi sẽ theo dạng tổng hợp với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thí sinh có quyền lựa chọn 1 trong 2 bài thi để làm.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, hình thức thi này sẽ đáp ứng yêu cầu học gì thi nấy, xét toàn diện kiến thức các môn thay vì học sinh tự chọn như hiện nay, dẫn tới học lệch. 

Khó quyết định tuyển sinh chung hay riêng

Trước yêu cầu giao tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường chủ động đề xuất phương án tuyển sinh trong năm 2017. Tuy nhiên, thông tin từ một số trường cho thấy, các phương án đặt ra khá chung chung.

Ông Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cho biết, nếu Bộ vẫn tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 thì trường vẫn tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả này để xét tuyển vào trường.

Trong trường hợp Bộ tổ chức kỳ thi khác để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH thì ĐH Cần Thơ sẽ sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Phương án cuối cùng là nếu Bộ không tổ chức kỳ thi chung, trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng, trong đó ưu tiên sử dụng đề thi từ ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT.

Ông Đỗ Văn Xê cũng cho rằng, trường sẽ tính đến việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường đại học tổ chức như ĐHQG Hà Nội đã thực hiện nếu kết quả đánh giá thể hiện chính xác năng lực thí sinh.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết, trường này vẫn ưu tiên phương án sử dụng kết quả từ kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp không có kỳ thi chung thì trường mới tổ chức thi tuyển riêng và cũng sẽ kết hợp, xem xét hình thức thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội trong xét tuyển vào trường mình.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cũng đề xuất Bộ cần hỗ trợ việc ra đề thi. Việc tổ chức đề thi chung để các trường có thể mua và sử dụng trong tuyển sinh sẽ tránh được tình trạng trường ra đề khó, trường lại ra đề dễ, về lâu dài lại xuất hiện các lò luyện thi.