Hối hận muộn màng của kẻ giết bạn tù cũ

ANTĐ - Đến khi nhận ra bản thân quá buông tuồng, sai lầm nối tiếp sai lầm và gây nên trọng tội thì đã quá muộn. Một lời trì ân thiết tha với cuộc đời ẩn sâu trong đối mắt sũng nước càng khiến buồng giam trở nên ngột ngạt, oi nồng...

LTS: Cầm bút lên, hạ bút xuống rất nhiều lần, tôi loay hoay không biết mở đầu câu chuyện cuộc đời gã phạm nhân tên Hiển đó như thế nào. Nói đúng hơn, đôi mắt buồn thảm màu nước ẩn chứa nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng vô hạn của hắn ám ảnh tôi nhiều quá. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, tôi vẫn phải cầm bút, làm đúng phận sự của mình là viết lên những dòng này - là những lời gửi gắm chân thành đầy hối hận của Hiển đối với cuộc đời - thứ hắn không biết trân trọng, nâng niu từng ngày. Đến khi nhận ra bản thân quá buông tuồng, sai lầm nối tiếp sai lầm và gây nên trọng tội thì đã quá muộn. Một lời trì ân thiết tha với cuộc đời ẩn sâu trong đối mắt sũng nước càng khiến buồng giam trở nên ngột ngạt, oi nồng, giọng hắn trầm đục kể về câu chuyện cuộc đời...

Cuộc sống có hơn một sự lựa chọn, cớ sao...?

Lẽ thường như cánh phạm nhân chúng tôi, sau khi bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm, trong lòng hẳn bừng lên một chút hi vọng mong manh về phiên tòa phúc thẩm tới, hi vọng tòa lưu tâm tới những tình tiết giảm nhẹ mà hạ mức phạt xuống cho những kẻ tội đồ. Tôi cũng vậy. Còn nhớ cảm giác tòa xét xử phiên sơ thẩm, tôi bị kết án chung thân về tội danh giết người, mức án ấy quá cao so với hình dung, tôi kháng cáo với một chút hi vọng mong manh, yếu ớt về ánh sáng cuối con đường hầm, mong phiên phúc thẩm, án của mình được giảm nhẹ. Nhưng, phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào trung tuần tháng 7 gần như đánh gục toàn bộ hi vọng cuối cùng của tôi. Tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo, y án chung thân như phiên tòa sơ thẩm. Tôi bủn rủn chân tay, đến mức chân không thể đứng vững phải nhờ hai cán bộ giám sát dìu đi ra xe bít bùng và đưa về trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai.

Từ hôm đó, không đêm nào tôi chợp mắt được. Tiếng kết án cuối cùng của vị chủ tòa ám ảnh, lơ lửng trong đầu tôi hết từ canh giờ này tới canh giờ khác: Phạm nhân Nguyễn Khắc Hiển, sinh năm 1984, trú tại La Krihg bị kết án giết người và tuyên phạt án: chung thân... Án chung thân - một án tù không số, không hẹn ngày về trở nên quá mịt mù đối với một kẻ tuổi đời còn trẻ như tôi. Ngoài khóc thầm, ôm nỗi hối hận trong câm lặng, tôi không dự tính trước được những ngày sắp tới, cuộc sống của mình sẽ trôi đi như thế nào, loay hoay với bốn bức tường, tôi mới thấy thấm thìa giá trị của tự do đã từng được sở hữu. Đối với một kẻ tù tội, một cơn gió mát lành đi lạc vào phòng giam, một ánh nắng cuối chiều hiu hắt, vẩn vương rơi bên khung cửa sổ, một tiếng chim hót xôn xao gọi bầy, gọi bạn trở về... bỗng trở nên quý giá, diệu kỳ như khúc nhạc khuấy động tất cả tâm tình của những kẻ còn xúc cảm. Và, tôi cũng vậy.

 

Sinh năm 1984, tôi mới đi hết 1/3 cuộc đời, nhưng chua chát mà nói, cuộc sống của tôi "gắn bó" với những lần ra tù vào khám. Đây không phải lần đầu gây nên tội, nhưng lần này thực sự là cú sốc đối với chính bản thân tôi, gia đình, vợ con tôi.

Năm 2002, tôi từng bị đi tù 8 năm vì tội cướp tài sản. Khi đó tôi mới 17 tuổi. Nhìn vẻ ngoài hiền lành, thư sinh của tôi, không ai nghĩ tôi có thể liều lĩnh, táo tợn dám cùng đám thanh niên tổ chức cướp tài sản lấy tiền tiêu xài, thỏa mãn thói quen tiêu tiền không biết nghĩ.

Vào tù, tôi quen một người bạn tù tên Nguyễn Minh Hải, cũng thụ án tại trại giam Gia Trung giống như tôi. Hải vốn là một kẻ thích gây sự và hiếu chiến, thấy tôi chân ướt chân ráo vào trại, Hải đã bộc lộ rõ thái độ "ma cũ bắt nạt ma mới", nhằm tạo dựng thanh thế, dằn mặt "lính mới" như tôi. Nhưng vì có bộ mặt "sạch sẽ", thư sinh cùng thái độ ngoan ngoãn, biết mình biết người, nên tôi được các anh em trong buồng giam tỏ ý bảo vệ, bênh vực, điều này khiến Hải không thể gây sự với tôi như ý định. 8 năm trong tù rèn rũa tôi rất nhiều. Từ đứa trẻ 17 tuổi lúc mới vào, cho tới khi ra trại tuổi đời đã 25, tôi chín chắn và trưởng thành hơn xưa rất nhiều. Tôi còn nhớ, trước khi bước chân ra khỏi cánh cổng trại, các cán bộ quản giáo ở Trại giam Gia Trung còn dặn dò, nhắn nhủ tôi cố gắng hòa nhập trở lại với cộng đồng, kiếm một công việc nào đó ổn định và tìm kiếm một tổ ấm cho bản thân.

Các cán bộ không ngừng động viên tôi, rằng tôi còn trẻ, cơ hội làm lành với cuộc đời vô cùng rộng mở, hi vọng tôi không bao giờ đi lại vết xe đổ năm xưa và học cách sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình hơn nữa. Vậy mà tôi lại vấp ngã thêm một lần nữa, thâm chí cú ngã này còn đau đớn, ê chề hơn lần ngã trước rất nhiều. Người ta bảo, "mỗi lần ngã đau là một lần bớt dại", nhưng với tôi, dại dột và sai lầm vẫn cứ tiếp diễn. Tôi đã hình dung trong đầu cuộc gặp gỡ với các cán bộ Trại giam Gia Trung - có thể là nơi tôi thụ án sau khi rời khỏi Trại tạm Gia Can tỉnh Gia Lai. Tự hỏi, mình sẽ nói gì với các cán bộ quản giáo - những người đã không ngừng hi vọng một kẻ lầm lỗi như tôi sẽ tu tỉnh, rũ bỏ quá khứ đen tối sau lưng, hướng về phía mặt trời. Rốt cuộc, xét cho cùng, tôi đã phản bội trắng trợn niềm tin, hi vọng gia đình, bè bạn dành cho.

Rõ ràng, cuộc sống có hơn một sự lựa chọn, nhưng thay bằng việc cho mình một con đường chính nghĩa dựa trên những nỗ lực, phấn đấu nhỏ nhất trong cuộc sống đời thường, tôi lại chọn cho mình lối đi tắt, một con đường cụt. Cái giá phải trả của tôi là những năm tháng chôn vùi tuổi xuân ở phía sau song sắt, bỏ mặc vợ trẻ, con thơ bơ vơ trong ngôi nhà không có người đàn ông, người cha nương tựa.

Một lần lên bar bằng cả năm làm lụng của cha mẹ

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quê gốc Thanh Hóa, nhưng ngay từ hồi tôi còn nhỏ, cha mẹ đã dắt anh chị em tôi vào miền đất cao nguyên này xây dựng kinh tế mới. Cha mẹ tôi là những người nông dân chăm chỉ, ngày ngày chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mong kiếm được hạt lúa, hạt ngô nuôi 4 anh em tôi trưởng thành nên người. Đáng lẽ ra, tôi phải hiểu những nỗ lực, cố gắng lớn lao của cha mẹ và lấy đó làm động lực để phấn đấu trong cuộc sống, đằng này, tôi lại trở thành một đứa trẻ hư, đi ngược lại sự kỳ vọng của cha mẹ.

Đoạn tuyệt với bảng đen, phấn trắng, xa rời trường lớp khi mới học lớp 9, tôi lếu lổng, đua đòi theo đám bạn khắp các quán nhậu nọ tới quán bi-a kia. Nhà nghèo, lấy đâu ra tiền cho tôi đổ vào những thứ chơi vô bổ đó, bí quá tôi nghĩ ra cách cướp tài sản. Chính trong một phi vụ cướp tài sản tôi sa lưới và bị đưa đi cải tạo 8 năm.

Ra khỏi tù, tôi hăm hở quyết tâm làm lại cuộc đời. Không bằng cấp, không trình độ, tôi xin làm thuê cho một xí nghiệp gỗ với mức thu nhập gần 2 triệu/tháng. Cuộc sống của tôi tạm thời ổn định và lúc ấy, trong tôi rạo rực niềm vui nghĩ về một tương lai tươi xanh, giản dị đang chờ đợi phía trước. Nhưng, cuộc đời này luôn chứa đựng những nhiều bất ngờ và chính bản thân người trong cuộc cũng không thể ngờ khúc cua ấy lại rẽ số phận người ta sang một chương hoàn toàn khác. Trong thời gian làm thuê ở xí nghiệp gỗ, tôi gặp lại Hải - người bạn tù năm xưa.

Cũng không mấy ngạc nhiên, bởi phố núi Pleiku này nhỏ xíu, đi vài bước chân đã hết thuộc hết mọi ngõ ngách và cũng có thể giữa tôi và Hải còn những "ân oán" chưa trả hết nên trời xui khiến cho tôi và Hải gặp lại nhau. Dĩ nhiên, tôi và Hải vẫn nhận ra nhau, nhưng nay vị thế của cả hai đều đã khác xưa. Gạt bỏ những ấn tượng xấu, tôi và Hải giữ mối quan hệ xã giao thông thường, gặp nhau ngoài đường thì nhoẻn miệng, gật đầu chào một cái là xong. Tôi cố gắng xóa bỏ hiềm khích cũ, tập trung chăm chút cho cuộc sống riêng của mình...

 

Điều tôi ân hận cho tới sau này, là hồi đó làm được bao nhiêu tiền, tôi đều tiêu sạch cho bản thân, chưa giúp cha mẹ được xu nào. Chưa bao giờ tôi mua tặng mẹ đồng quà tấm bánh, trái lại, chỉ biết bòn rút của nhà vung văng, ra oai với chúng bạn. Chỉ cần bạn ới một tiếng, tôi lập tức tới các tụ điểm ăn chơi của những người sành điệu phố núi, dù biết những chỗ ấy không phù hợp với hoàn cảnh của "con nhà nghèo" như mình. Một trong những địa điểm chúng tôi hay đến là quán bar có tên Tre Xanh. Từ lần đầu lên bar ngơ ngác như thỏ con lạc trong rừng, cho tới sau này, khi đã ở thành khách quen của quán, tôi quên mất vị trí thực sự của mình ở đâu. Chúng tôi mở những chai rượu ngoại có giá cắt cổ, uống những loại bia nước ngoài sành điệu cho đúng chất "dân chơi", quên mất ở nhà ba mẹ ki cóp từng đồng lo lắng cho chúng tôi. Tính ra, giá một chai rượu ngoại khi ấy bằng cả một năm vất và làm ăn ngoài nương rẫy của cha mẹ với điều kiện năm ấy không mất mùa.

Lúc đó tôi chẳng thể nghĩ sâu xa. Tính bốc đồng, sĩ diện làm tôi mờ mắt, hào phóng móc hầu bao góp chung tiền ăn chơi cùng tụi bạn, lấy tiếng nhạc sàn chát chúa, đinh tai nhức óc làm điểm tựa, lấy chất cồn thiêu đốt ruột gan làm chất xúc tác, tôi đánh rơi tương lai, vùi dập những dự định hoàn lương trong trẻo trong những đêm túy lúy hởi men ấy.

Có một lần lên bar Tre Xanh, tôi gặp lại Hải. Uống với nhau vài ly, rồi cùng ra sàn nhảy nhót cho thêm phần hưng phấn. Trong lúc nhảy, vô tình tôi có động chạm tới người Hải. Chỉ là va chạm nhẹ, nhưng trong người chúng tôi lúc đó đã ngà ngà say, máu nóng bốc lên, Hải lao vào tôi xô xát. Nhóm của Hải rất đông, có tầm khoảng chục người, trong khi nhóm của tôi vỏn vẹn 3 người. Tôi bỏ chạy khỏi bar, nhưng không buông tha cho tôi, Hải và mấy người kia cầm dao, phớ truy đuổi tôi. Tôi cắm đầu chạy vẫn không thoát khỏi tay của Hải và đồng bọn. Đêm ấy, tôi bị nhóm của Hải chém nhiều nhát vào lưng, tới khi tôi ngã gục xuống nền đất, đau đớn lan tỏa khắp cơ thể đến mức hoàn toàn mất cảm giác về mọi thứ xung quanh. Tôi lịm đi và khi tỉnh dậy thấy đang nằm trong bệnh viện.

Người đầu tiên tôi nhìn thấy là mẹ. Nghe được người dân báo tôi bị chém và đi cấp cứu trong đêm, từ rẫy, bà xuôi xuống phố tìm đứa con nghịch tử. Mẹ tôi khóc nhiều lắm, đôi mắt bà mọng đỏ, mái tóc hoa râm phất phơ phủ xuồng gò má chai sạn, đen đúa màu cà phê. Các bác sĩ bảo với tôi rằng cả đêm mẹ không ngủ, cứ lặng lẽ ngồi túc trực bên cạnh tôi, ai khuyên bà hạ lưng cho đỡ mệt, bà cũng không chịu nghe lời. Từ khi tôi sống ở ngôi nhà nhỏ trên phố, mẹ sống ở rẫy cùng bố, chúng tôi ít gặp nhau, và chưa lần gặp nào tôi thấy mẹ tôi gầy guộc, xanh xao như lần gặp mặt buồn bã ở nơi không ai mong đợi này.

Ra khỏi bệnh viện, tôi quyết tâm không lui tới những nơi nhạy cảm như thế nữa. Trong thời gian này, tôi quen một cô gái trẻ vừa mới tốt nghiệp trung cấp ở Đà Nẵng. Yêu nhau được chừng vài tháng, tôi và cô ấy nếm "trái cấm", lòng ước ao về cuộc sống lứa đôi hạnh phúc về sau. Đám cưới diễn ra không lâu sau khi phát hiện cô ấy đã mang bầu. Ai ai cũng hi vọng gia đình nhỏ với người vợ hiền và một đứa con sắp chào đời có thể níu giữ bước chân lang bạt của tôi, đánh thức trách nhiệm đàn ông trong tôi. Song, chính tôi lại kéo họ đồng hành trên con thuyền mục nát giữa mênh mông sóng nước.

Cưới nhau xong, tôi dọn về nhà vợ sinh sống. Gia đình nhà vợ có điều kiện, hiểu biết và giàu lòng nhân ái. Bố mẹ, họ hàng bên ngoại đều biết quá khứ lỗi lầm tôi gây ra, nhưng họ bao dung đón nhận tôi làm con cái trong gia đình, nhắc nhở tôi khép chặt cánh cửa quá khứ u ám, mở ra cánh cửa mới sáng sủa, tinh tươm hơn. Tôi tỏ ra là chàng rể ngoan ngoãn, khắc ghi lời dặn dò của cha mẹ vợ, hứa hẹn sẽ trở thành người cha tốt trong tương lai gần.

"Ngựa quen đườn cũ" và tiếng xin lỗi nghẹn lòng muộn màng của kẻ tù tội

Ở nhà mãi cũng cuồng chân, nghe bạn rũ lên bar làm vài ly rượu cho bớt "nhớ hơi", tôi đồng ý ngay. Trước khi tôi đi, vợ còn gọi với theo, dặn dò tôi trở về nhà sớm. Trên đường lên bar tôi nhìn thấy Hải và vài người bạn đang uống cà phê ở quán, tự nhủ lòng "tránh voi chẳng xấu mặt nào", tôi tới điểm "tập kết" ban đầu như đám bạn hò hẹn. Sau hơn tiếng đồng hồ la cà ở bar, rượu bắt đầu ngấm vào người, chợt nhớ tới vụ ân oán cũ với Hải, tôi ra quầy lấy con dao gọt hoa quả và rủ hai người bạn nữa cùng mình đi tìm Hải nói chuyện phải trái.

Quán cà phê Đen (đường Lê Quý Đôn, phường La Kring) vẫn khá đông người qua lại. Tôi bảo Nguyễn Quang Sang và Hà Hải Đăng - hai người bạn đi cùng - đứng đợi tôi ở bên ngoài quán, một mình tôi vào tìm Hải thôi. Nhưng, mới chỉ bắt đầu câu chuyện được 2, 3 câu, Hải lớn tiếng chửi tôi. Theo phán đoán chủ quan của tôi, trong cốp xe của Hải luôn mang theo dao, lê làm vũ khí, sợ Hải lấy vũ khí và tấn công tôi trước, tôi giữ lấy tay Hải và đâm tới tấp lên người Hải. Đám đông ồn ào la hét, hoảng quá, tôi bỏ chạy một mạch về nhà, biến mất nhanh gọn, lạnh lùng như khi xuất hiện.

Trở về nhà, vợ tôi có hỏi: "Sao anh về trễ vậy", tôi đáp ngắn gọn: "Anh gặp bạn uống vài ly", bất giác nhớ tới Hải, tôi tự trấn an: "Dằn mặt Hải vậy là đủ rồi. Cho hắn hiểu hắn không thể diễu võ giương oai mãi được". Sáng hôm sau, tôi vẫn đi uống cà phê sáng như thường lệ. Tiếng mấy vị khách uống nước ở bàn kế bên lọt vào tai tôi. Họ truyền miệng kể cho nhau nghe vụ đâm chém người diễn ra tối hôm trước ở quán cà phê Đen, và đã có một người bị thương nặng, chết trên đường đi cấp cứu tên Hải. Tôi lạnh toát sống lưng, không dám nghĩ mình đã giết chết Hải. Bỏ mặc ly cà phê nóng bốc hơi nghi ngút, trong đầu tôi xuất hiện duy nhất hai chữ: chạy trốn.

 

Tôi sợ hãi tới mức, ra tới bến xe, không cần biết điểm đến của xe là nơi nào, chỉ cần thoát khỏi Gia Lai này là được. Không kịp lấy hành lý, tư trang, tôi vét toàn bộ túi quần còn vài chục ngàn, đủ tiền vé xe chạy trốn. Xe đi được nửa chặng đườncg chừng 3 tiếng, tôi mới biết mình đang đi về hướng Đắk Lắk. Khi hành khách xuống xe nghỉ giữa chặng đường, tôi không dám bước xuống, chỉ sợ ai đó nhận ra mình. Đội chiếc mũ lưỡi trai che gần kín khuôn mặt, tôi giấu đi nỗi sợ hãi, run rẩy nhưng bấy nhiêu không làm tôi yên dạ.

Đến Đắk Lắk, điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Vợ tôi gọi. Tôi nghe và thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình. Tôi khóc nức nở qua điện thoại, vợ tôi ở đầu dây bên kia cũng nức nở theo. Cô ấy van xin tôi hãy trở về đầu thú để mong sự khoan hồng, độ lượng của pháp luật. Tôi nói với cô ấy rằng, tôi không dám trở về, nếu trở về, tôi sẽ chết mất. Người nhà tôi được vợ tôi thông báo và biết rõ đầu đuôi sự việc, cha mẹ tôi, cha mẹ cô ấy liên tục gọi điện. Họ nói, chỉ cần tôi nói địa điểm tôi đang lẩn trốn, họ sẽ lên tận nơi đón tôi trở về đầu thú. Họ hứa luôn ở bên cạnh tôi, không bao giờ bỏ rơi tôi trong cơn bĩ cực, tuyệt vọng này.

Tôi trở về Gia Lai, tới thẳng tới trụ sở Công an đầu thú, thừa nhận toàn bộ hành vi giết Nguyễn Minh Hải và tôi bị tạm giữ hình sự. Đó là thời điểm vợ tôi vẫn đang mang thai. Điều này càng khiến tôi day dứt hơn tất thảy. Cô ấy chấp nhận quá khứ đen của tôi, đón tôi bước vào cuộc đời cô ấy với tất cả tình thương mến và bao dung, vậy mà tôi làm cô ấy phải khổ.

Chào đón đứa con chào đời là sự kiện trọng đại trong cuộc đời người phụ nữ. Là người vợ, người mẹ, ai chẳng muốn được chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc với chồng, nhưng vợ tôi không có được may mắn ấy. Cứ nghĩ một mình cô ấy xoay xỏa lúc bụng mang dạ chửa, "vượt cạn" không có chồng ở bên cạnh, tôi lại ứa nước mắt xót thương.

Tôi đếm những ngày tháng trong tù bằng số ngày tuổi của con gái. Ngày tôi bị bắt, con tôi chưa nhìn thấy ánh nắng mặt trời, lần đầu con gái được mẹ dẫn lên gặp ba là khi con đã bắt đầu tập nói. Mẹ cháu liên tục nựng con gái yêu gọi "ba ơi", nhưng đứa trẻ nhìn tôi ngơ ngác, lạ lẫm và kiên quyết không gọi. Hai tiếng thiêng liêng ấy, tôi thèm khát được nghe con gọi xiết bao, song tôi hiểu một người cha - giống như người xa lạ, chưa từng ôm ấp, vỗ về con gái đâu xứng đáng được nghe hai tiếng vĩ đại ấy.

Khi có con rồi, tôi mới thấm thìa, cảm kích tấm lòng cha mẹ dành cho tôi. "Sinh con ra mới biết lòng cha mẹ", câu nói ấy tôi giác ngộ, thức tỉnh thì đã quá muộn. Sau này, vào thăm tôi trong trại, cha kể cho tôi nghe lý do vì sao phiên phúc thẩm mẹ tôi không tới. Phiên xử sơ thẩm, hai bên nội ngoại tới đầy đủ không thiếu một ai, nhưng tới phiên phúc thẩm, tôi đỏ mắt tìm hoài bóng dáng mẹ mà không thấy. Cha kể, vì mẹ quá ám ánh, đau xót chứng kiến đứa con mình dứt ruột đẻ ra phải chịu sự phán xét của luật pháp, của lương tâm, mẹ không dám tới. Mẹ khóc nhiều và hầu như bỏ bữa, chỉ uống nước cầm hơi. Trước khi cha tới phiên tòa, mẹ không quên dúi vào tay cha chai nước suối, bảo gửi tới cho đứa con tội lỗi. Nghe cha kể, không ngăn được cảm xúc, tôi khóc như một đứa trẻ trong phòng thăm thân.

Từ ngày tôi đi tù, vợ tôi vẫn đều đặn tới thăm tôi. Lần nào gặp tôi cô ấy cũng khóc. Sau nhiều đêm không ngủ, suy nghĩ kỹ càng, tôi mới đủ can đảm đề nghị vợ tôi hãy rời xa tôi. Cô ấy còn trẻ và còn biết bao cơ hội xán lạn với một tương lai hứa hẹn ở phía trước. Chúng tôi không thể hẹn sẽ chờ đợi nhau, bởi mức án chung thân quá đỗi xa xôi và chơi vơi cho một lời ước nguyện. Chúng tôi thỏa thuận vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau mỗi khi có cơ hội, dù chỉ là vài phút ngắn ngủi trong buồng thăm nuôi, sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện nhỏ về con gái, về gia đình, về nắng gió cao nguyên. Cô ấy hứa sẽ mang chút nắng rực rỡ, chút gió mênh mông, cả vị nồng đượm của đất mẹ gửi vào xua tan cái lạnh lẽo của buồng giam cho tôi. Với một người chồng tội lỗi, chẳng phải đó là một đặc ân nhận được từ người vợ trẻ của mình sao?

Tôi nợ cuộc đời nhiều quá và lúc này để nói một lời gì đó với cuộc đời, với cha mẹ, vợ con, ngoài hai chữ "xin lỗi", tôi ngậm ngùi không biết phải phân trần, giãy bày ra sao.

Kết

"Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả", Nguyễn Khắc Hiển - gã tù nhân có đôi mắt sâu thẳm như lòng Biển Hồ mùa nước nổi chậm rãi nói với tôi trước khi từ biệt. Gã được cuộc đời cho nhiều lắm: một gia đình ấm áp, một tổ ấm riêng giản dị, hạnh phúc, cho hắn vấp ngã đau đớn để biết trân trọng giá trị của tuổi trẻ. Đã có hơn một cơ hội chuộc lỗi, quay đầu dành cho Hiển, nhưng Hiển không biết trân trọng, nâng niu và rốt cuộc tái phạm sai lầm. Thời điểm hiện tại, Nguyễn Khắc Hiển buồn nhiều lắm về mức án chung thân nhưng câu nói cuối trước khi từ biệt của hắn, ít nhiều khiến tôi cảm thấy yên tâm phần nào, bởi tận sâu trong thế giới u mê, tăm tối của gã, vẫn le lói chút hi vọng được trở về, dù đó là ngày nào, chính Hiển cũng không thể biết được.

Ghi theo lời kể phạm nhân Nguyễn Khắc Hiển,
 Trại tạm giam Công an tỉnh Gia Lai