Hối hả chuẩn bị cho Tết Nguyên đán

ANTĐ - Chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nên các hoạt động chuẩn bị cho người dân đón Tết tươi vui, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm đang được triển khai ráo riết. Từ chuyện ăn uống, đi lại, vui chơi, giải trí tới trang hoàng, dọn dẹp vệ sinh đường phố, chiếu sáng, điện, nước... đều được TP Hà Nội chú trọng.

Hàng hóa phục vụ Tết đã tràn ngập các siêu thị

Tăng chuyến, chống ùn tắc

Dự báo tình hình vận tải hành khách những ngày trước và sau Tết, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hành khách thường tập trung đông trên các tuyến buýt có đầu bến là các bến xe liên tỉnh, Ga Hà Nội, điểm trung chuyển Long Biên, Cầu Giấy... các tuyến có lộ trình đi qua các trường đại học, cao đẳng và các tuyến có lộ trình ra các khu vực ngoại thành. 

Theo đại diện Transerco, vào những ngày cao điểm này, Tổng Công ty sẽ bố trí từ 8.000 - 9.000 lượt xe/ngày, thời gian mở bến từ 4h35 đến 21h với tần suất từ 5-10-15-20/lượt. Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị phục vụ tốt cho lượng hành khách có thể tăng mạnh về quê và trở lại Hà Nội, Transerco đã bố trí dự phòng 68 xe/ngày/40 tuyến buýt có điểm đầu cuối là các bến xe và lộ trình tuyến đi qua các trục chính, nhà ga, trường học, hướng xuyên tâm và ra ngoại thành... để sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến tại các nhà ga, bến xe và điểm trung chuyển lớn.

Riêng với những ngày nghỉ trong Tết, lượng hành khách chủ yếu là nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận có nhu cầu sử dụng xe buýt để đi du xuân, thăm hỏi, chúc Tết, đặc biệt là trên các tuyến buýt từ các huyện ngoại thành vào trung tâm. Do đó, Transerco sẽ bố trí hợp lý số xe tương ứng với nhu cầu lượng hành khách với mức thấp nhất là gần 3.000 lượt xe vào ngày mùng 1 Tết và cao nhất là 6.746 xe vào ngày 5 Tết.

Để chống ùn tắc và tai nạn giao thông, TP yêu cầu các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; nhất là các lỗi có thể gây ùn tắc, tai nạn như đi ngược chiều, đi vào đường cấm, đi không đúng làn đường quy định, chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, chở quá tải, quá khổ...

Không cắt điện nước, chặn thực phẩm bẩn

Liên quan tới các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, các nhà cung cấp dịch vụ đều cam kết không để xảy ra sự cố trong Tết. Đại diện EVN Hà Nội cho biết, Tổng Công ty sẽ không cắt điện cao, trung, hạ thế trong dịp Tết. Những trọng điểm cần bảo đảm điện như 29 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa, các nhà văn hóa, câu lạc bộ, cụm văn hóa thông tin, các sân khấu ngoài trời... Tổng Công ty cũng cho hay đã có phương án đảm bảo điện an toàn liên tục, có dự phòng cho các điểm diễn ra lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao... EVN Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội  kiểm tra toàn diện các trạm 110kV, các đường dây 110kV và khắc phục ngay các khiếm khuyết đe doạ sự cố nếu có. 

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đã dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng gần 2.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị đã dự trữ tại các kho trên 3.000 tấn gạo các loại. Hàng loạt các công ty chăn nuôi cũng chuẩn bị đưa ra thị trường khoảng 1.000 tấn thịt lợn sạch. Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội dự kiến tung ra thị trường khoảng 10 triệu chai rượu các loại và hơn 50 triệu lít bia. Để cung ứng hàng đầy đủ, liên tục, UBND TP Hà Nội cũng ưu tiên cho phép 69 xe vận chuyển hàng hóa phục vụ dịp Tết của các doanh nghiệp hoạt động 24/24h trong khu vực nội thành đến hết tháng 4-2013. Đề phòng thực phẩm bẩn xâm nhập, hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được TP triển khai ráo riết với 6 đoàn liên ngành tỏa về các địa phương. Hôm 5-1, đích thân 2 Bộ trưởng Y tế và NN&PTNT cũng đã tới chợ để kiểm tra thực phẩm.

Liên quan tới trang trí, chiếu sáng các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người vào dịp Tết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng vừa yêu cầu rà soát, bổ sung chiếu sáng bề mặt các công trình kiến trúc xung quanh hồ Gươm, khu vực Tượng đài Vua Lê Thái Tổ; khu vực Tháp rùa, cầu Thê Húc... TP cũng trực tiếp yêu cầu trang trí chiếu sáng các tuyến phố quanh hồ và phụ cận như Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi; Hàng Bài - Bà Triệu; vườn hoa Quảng trường Cách mạng tháng Tám... Ở khu trung tâm, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đã được thành phố giao chiếu sáng, trang trí các tuyến phố chính như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Cầu Gỗ...