Hội đàm bên miệng hố chiến tranh

ANTĐ - Trong bối cảnh hơn 50 tàu ngầm của Triều Tiên đã rời căn cứ để hoạt động cùng tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng kẻ thù của nước này sẽ bị tiêu diệt “chỉ trong một trận đánh”, việc Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý nối lại cuộc đàm phán cấp cao khiến dư luận thế giới thở phào.

Hội đàm bên miệng hố chiến tranh ảnh 1Hệ thống loa tuyên truyền của Hàn Quốc ở khu vực trên biên giới với Triều Tiên

Cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom đã được nối lại chiều 23-8 sau khi phiên thương lượng kéo dài suốt 10 tiếng từ đêm 22-8 tới sáng 23-8 không đạt được thỏa thuận nào. Các nhà phân tích nhận định rằng việc tiếp tục đàm phán là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố hai bên sẽ “tiếp tục thu hẹp những bất đồng”.

Mới chỉ hơn một ngày trước, bán đảo Triều Tiên còn đang đứng bên bờ vực chiến tranh sau khi Bình Nhưỡng đặt thời hạn 17h (15h giờ Hà Nội ) ngày 22-8 để Seoul chấm dứt hoạt động phát loa tuyên truyền chống Triều Tiên qua biên giới. Ngược lại, Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục chương trình này trừ khi Triều Tiên nhận trách nhiệm về các vụ nổ mìn ở khu vực phi quân sự (DMZ) trong tháng này khiến 2 lính Hàn Quốc bị thương. 

Đây là những diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu kéo dài đã hơn nửa thế kỷ qua giữa hai miền Triều Tiên. Năm 1953, cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc với một bản hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp định hòa bình. Chính vì thế, các cuộc va chạm giữa Bình Nhưỡng và Seoul vẫn diễn ra cả trên bộ và trên biển suốt hàng chục năm qua. Gần đây nhất là vụ tàu chiến hai nước đấu súng, xảy ra ngày 7-10-2014, sau khi tàu tuần tra Triều Tiên vượt qua biên giới lãnh hải và nổ súng trước.

Vấn đề càng phức tạp hơn bởi sự hiện diện của gần 30.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Những cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn luôn gặp phải sự phản ứng quyết liệt của Bình Nhưỡng. Gần đây nhất là ngày 17-8, khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ Tự do Ulchi” với sự tham gia của 50.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.000 binh sĩ Mỹ, Triều Tiên đã lên tiếng cáo buộc rằng đây là một “hành động tuyên chiến”.

Để giành ảnh  hưởng, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều tăng cường các biện pháp tuyên truyền. Trước năm 2004, hai miền đều dùng rất nhiều loa công suất lớn để phát thông điệp nhằm vào nhau cả ngày lẫn đêm. Gần đây, Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul dùng bóng bay thả truyền đơn vào miền Bắc, thậm chí cả đĩa DVD, USB với các chương trình nhạc pop và chocolate nhằm khiến người dân Triều Tiên hiểu rằng, họ đang bị cô lập trước thế giới.

Dù thường xuyên đấu khẩu trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn thế giới, thậm chí thỉnh thoảng lại đấu pháo trên biên giới và trên biển, nhưng hầu như các cuộc khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên thường kết thúc trong hòa bình, không bùng nổ thành chiến tranh. Vấn đề là bởi dù thù địch nhưng cả hai bên đều hiểu cái giá quá lớn phải trả nếu như chiến tranh nổ ra.   

Điều đó giải thích tại sao trong không khí chống Bình Nhưỡng ở Hàn Quốc, Chủ tịch Moon Jae-in thuộc đảng Liên minh chính trị mới vì dân chủ đối lập của Hàn Quốc vẫn lên tiếng kêu gọi chính phủ ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên mà không kèm theo điều kiện gì. Ông Moon chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng leo thang có thể gây ra một cuộc đụng độ quân sự, qua đó giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Hàn Quốc hiện đang ở trong tình trạng khó khăn.

Mặc dù vậy, chưa ai có thể đoán chắc cuộc đàm phán bắt đầu từ chiều 23-8 giữa Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo với Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon có đạt kết quả như mong muốn hay không.