"Hội chứng sợ bị bỏ lỡ" mùa dịch bệnh

ANTD.VN - Dạo giữa tháng 2, tôi “chắc như đinh đóng cột” với bạn bè là không hề có chuyện thiếu hàng hay vét hàng ở các siêu thị Hà Nội, thế mà bỗng nhiên đùng một cái có thêm bệnh nhân số 17, tôi suýt nữa thành kẻ nói điêu. 

Tràn ngập các  mặt hàng nông sản được bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long (Ảnh chụp lúc 15h ngày 8-3)

Là bởi không ai học được chữ… ngờ. Một cô gái chủ quan, giấu bệnh, chính quyền phải họp cấp tốc lúc 10h tối ngày 6-3. Tin “Cô Nhung 17” vừa loang ra, tức thời người ta lao vào siêu thị, vơ từng thùng mỳ tôm, từng cuộn giấy vệ sinh đến vét nhẵn các ngăn thực phẩm.

Cái việc đề phòng ban đầu cũng dễ lý giải thôi. Bất ngờ về tin tức, ai biết dịch sẽ diễn biến thế nào? Ai biết những đâu sẽ bị cách ly? Lo sợ và hoang mang cũng chẳng có gì sai. Tích trữ nhu yếu phẩm xuất phát bởi ý nghĩ đầu tiên là có gì xảy ra thì mình chủ động tình hình. Tâm lý ấy khá phổ biến. Chỉ có điều nó bị nhấn mạnh một cách thái quá không cần suy xét.

Cả ngày 7-3, khá đông thành phần dân đô thị, ai có ô tô mang ô tô, ai có xe máy chở xe máy, rồi xe đạp, thậm chí đi bộ, cuống cuồng lao đến các chợ khắp nội ngoại thành. Thịt - cá - rau đồng loạt tăng giá gấp mấy lần. Sáng 7-3, mấy hàng tạp hóa trong ngõ nhà tôi rồng rắn người xếp hàng, cảnh tượng chưa từng thấy. Người ta mua gì, cũng lại giấy vệ sinh và mỳ tôm.  Không thể lý giải được ngày nào đó giữa trời xanh mây trắng, giấy vệ sinh trở thành hàng xa xỉ (?!). 

Một cơn mất bình tĩnh, đúng ra phải dùng chữ cuồng loạn, trên diện rộng!

Tất nhiên hôm nay, chỗ giấy vệ sinh mua tranh bán cướp, mỳ tôm và thịt lợn chất đầy nhà đầy tủ lạnh đã thành một sự khá là ngượng ngùng nếu phải nhắc lại. Mà chẳng cần đến hôm nay, ngay hôm sau, chủ nhật ngày 8-3 đã thế. Giá bình ổn nhanh chóng. Cơn hốt hoảng tạm lui. Người Hà Nội nhanh chóng, như mọi lần khác, chuyển sang chế giễu và tự chế giễu.

“Người ta bảo đến Nhật Bản, Australia… cũng đua nhau mua và tranh cướp giấy vệ sinh. Các chuyên gia tiêu dùng cho rằng việc tích trữ giấy vệ sinh là một hành động ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn và sự tác động của truyền thông trên mạng xã hội. Soi vào mình thì đúng là thế thật!”. 

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Người ta bảo đến Nhật Bản, Australia… cũng đua nhau mua và tranh cướp giấy vệ sinh. Các chuyên gia tiêu dùng cho rằng việc tích trữ giấy vệ sinh là một hành động ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn và sự tác động của truyền thông trên mạng xã hội. Soi vào mình thì đúng là thế thật!

Thử nhìn lại một ngày rưỡi cuống cuồng mua và tích trữ hàng hóa nhu yếu phẩm xem có gì mới mẻ với dân ta không, thấy vừa mới vừa không mới. Việc mua khẩu trang và nước rửa tay vài tuần trước đã là một minh chứng. Điều mọi người sợ trước hết không phải dịch, mà sợ người ta có, nhà mình không có.

Cái tâm lý thấy trên kệ siêu thị văng vắng hàng gì thì phải lập tức tích trữ ngay hàng đó kẻo hết kẻo thời gian tới không có chỗ mà mua. Tác động thị giác cũng là một nguyên nhân gây ra sự đổ xô vét hàng. Thấy người ta xếp hàng cũng lao vào xếp hàng, chẳng cần biết xếp hàng như thế đem lại gì nhiều hơn sự mất thời gian. Xếp hàng mua mỳ tôm và giấy vệ sinh trong hơn một ngày trời ở Hà Nội giống như một hội chứng. Nó lây lan thậm chí còn hơn cúm. 

Nhà báo Phạm Thanh Hà

Một Giáo sư ở trường Đại học New South Wales (Australia) gọi đó là hội chứng FOMO (“Fear Of Missing Out” - Tạm dịch: “Hội chứng sợ bị bỏ lỡ”). Đua tranh trong lúc mua hàng có những chuyện kể ra vừa buồn cười vừa muốn khóc. Có người mua đến 10 thùng mỳ tôm rồi vẫn cương quyết không để người đứng sau, không còn hàng, lấy một thùng. Rất nhiều nơi, rất nhiều chỗ, tinh thần tương ái tương thân bị dẹp trước nỗi lo mùa dịch. May mà hội chứng ấy hết sức ngắn ngủi vì chính quyền đã kịp thời dẹp nỗi lo về nhu yếu phẩm.

Sau này chúng ta sẽ nhìn lại 36 tiếng lao vào vét hàng siêu thị ở nhiều gia đình như một câu chuyện bi hài, mà hài là chính, hẳn thế. Có một điều không thể không nói là từ sự việc tranh nhau mua giấy vệ sinh và mỳ tôm này, lối sống đô thị hóa, quen tiện nghi sẵn có đã ngấm quá sâu. Những người quen đầy đủ rất sợ sự khan hiếm, nhất là khan hiếm giấy vệ sinh. Như thế, tức là về mặt tâm hồn, con người bị đô thị hóa rất mạnh rồi, trong khi lối sống thì chưa. 

Một ngày rưỡi để thấy chúng ta cần sàng lọc thông tin, văn minh trong nhận thức, để từ đó điều chỉnh hành vi một cách đúng đắn!