Bệnh của dân văn phòng:

Hội chứng ống cổ tay

ANTĐ - Hội chứng ống cổ tay thường tìm đến những người làm công việc cần phải nắm hay gập cổ tay thường xuyên. Những người sử dụng máy vi tính nhiều cũng rất dễ mắc phải hội chứng này. Từ sai lầm về nắm bắt dấu hiệu của hội chứng cũng có thể dẫn đến cách điều trị lệch lạc. Tuy hội chứng ống cổ tay không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu chậm điều trị, người mắc chứng bệnh có thể sẽ tàn tật do dây thần kinh bị tổn thương.

Nhầm lẫn trong chẩn đoán

Nhiều nhân viên văn phòng do làm việc với cường độ cao trên máy vi tính có cảm giác bị tê các ngón tay khi đi xe máy. Trong những bữa ăn, nhiều người còn làm rơi đũa. Cảm giác này khiến những bệnh nhân của hội chứng ống cổ tay cho rằng mình bị phong tê thấp. Họ đã tìm đến những thang thuốc tây y và đông y để điều trị. Và khi những cách điều trị đó không thật sự có tác dụng, họ mới chịu tìm đến những thầy thuốc để khám và điều trị đúng cách. 

Theo những số liệu được thu thập trong thời gian gần đây, hội chứng ống cổ tay là một chấn thương liên quan đến công việc nhiều nhất. Số người mắc bệnh này tại Việt Nam hiện nay khá cao. Các triệu chứng dễ nhận thấy của hội chứng ống cổ tay là đau và tê nhức ở các ngón tay. Có thể sau đó, cơn đau sẽ lan ra cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay. Người mắc chứng bệnh trở nên vụng về khi cầm nắm, và cơn đau tiếp tục lên tới cẳng tay. Người mắc chứng bệnh nhẹ sẽ cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay, đôi khi có cảm giác bỏng rát và nhức cả cánh tay, từ đó dẫn đến việc tay yếu đi và trở nên tê cứng. Qua những nghiên cứu, được biết thần kinh giữa ở mặt lòng cẳng bàn tay đi qua đường hầm ở cổ tay, nằm chung với chín gân gập ngón tay. Các gân này nằm trong những bao nhớt, và khi gân bị viêm sưng to sẽ lấn lên rễ thần kinh giữa. Do thần kinh giữa mềm nên bị chèn bởi những gân cứng như dây thừng do sưng, từ đó sẽ gây nên hội chứng ống cổ tay.

Nhiều phân tích, đánh giá những đối tượng có nhiều khả năng mắc phải hội chứng ống cổ tay, thì những người làm công việc đòi hỏi phải cầm, nắm, hay gập cổ tay thường xuyên như nhân viên văn phòng, thợ mộc, vận động viên bóng bàn… có nguy cơ cao hơn cả. Và theo nhiều nghiên cứu thì tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay ở nữ giới cao hơn nhiều sơ với nam giới, nhất là với những phụ nữ có thai, hoặc những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm khớp, suy thận…

Cách phòng ngừa và điều trị

Theo ý kiến của nhiều y bác sĩ về xương khớp, thì để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, các cơ bắp cần phải có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Ngoài ra cần xoa bóp cổ tay để có thể phục hồi khả năng tuần hoàn máu cho các nhóm cơ của vùng cổ tay. Với những nhân viên văn phòng thường ngồi và làm việc với máy vi tính nhiều nên không tránh khỏi những hoạt động lặp ở vùng cổ tay, cần phải thường xuyên tập thể dục, nhất là cánh tay của mình. Khi làm việc cũng cần phải chú trọng tư thế ngồi thật hợp lý. Nhiều tài liệu về hội chứng ống cổ tay hướng dẫn tư thế ngồi cho nhân viên văn phòng như ghế ngồi phải vừa tầm, lưng luôn thẳng và hơi ngả ra sau, hai chân chạm đất với tư thế vũng vàng, thoải mái. Màn hình máy tính luôn được đặt ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt để khi làm việc những ngón tay có thể cong hoặc duỗi mà không cần phải vặn cổ tay. Bàn phím máy tính cần đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. 

Với những người đã mắc phải hội chứng ống cổ tay, việc tốt nhất luôn là thay đổi môi trường làm việc. Ngoài ra nên thay đổi cả cách sống một cách khoa học, hợp lý để có thể tiến hành điều trị. Còn những trường hợp nặng cần được điều trị nội khoa. Nếu như không tích cực có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật. Việc phẫu thuật giải ép cắt dải dây chằng mặt lòng cổ tay để giải phóng thần kinh giữa cho những bệnh nhân thể nặng là cần thiết. Bên cạnh đó các bệnh nhân của hội chứng ống cổ tay cần tập luyện lại bàn tay, từng ngón tay để sớm phục hồi vận động các ngón. Ngoài ra người bệnh cũng cần có chế độ ăn giàu vitamin.