Hội chứng "báo cáo sai"

ANTĐ - Có thể thấy tình trạng báo cáo “nói giảm, nói tránh, đơn giản hóa vấn đề” so với sự thật đã làm “nóng” dư luận trong thời gian vừa qua. Còn mấy ngày nay, dư luận quan tâm việc con số của các ban, ngành và cả của cơ quan thống kê chưa chính xác, thiếu thống nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu lưu ý, có đến 30% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Thế nhưng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, tỷ lệ CBCC không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%. 

Thực tế, chỉ nhìn vào hàng loạt vụ tiêu cực nổi cộm gần đây cũng đủ để thấy con số trên dưới 1% là sai khi “cộng sổ” từ vụ 8 lãnh đạo 4 công ty công ích ăn lương “khủng” ở TP. HCM vừa bị kỷ luật; vụ nhóm quan chức TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa lĩnh án vì sai phạm trong đất đai, nhóm quan chức Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long bị xét xử vì tham ô, đến vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, vụ ăn chặn vaccine ở Hà Nội hay các vụ tiêm vaccine làm nhiều trẻ chết oan, rồi các vụ cả mẹ và con sản phụ cũng chết oan uổng vì “sơ xuất” của y bác sĩ... Rồi còn hàng trăm vụ tiêu cực lớn nhỏ khác liên quan đến CBCC đã bị người dân tố cáo hoặc đã bị xử lý kỷ luật.

Các địa phương có thể vì thành tích mà tô hồng số liệu là chuyện mà ở cuộc hội thảo tại Hà Nội mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng băn khoăn: “GDP tỉnh nào cũng tăng trên 10%, nhưng bình quân cả nước chỉ 5,5%, vậy GDP chạy đi đâu?”. Thậm chí nhiều địa phương báo cáo GDP rất cao nhưng lại xin giảm, giãn đóng góp ngân sách; có khi xin... cứu đói!

Chuyện về con số là như vậy, nên nói về số liệu thống kê của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn: “Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin”. Ông dẫn chứng như nợ xấu hiện không biết tin vào con số nào vì “nay thế này mai thế kia”. Hoặc theo một nguồn tin, số doanh nghiệp Nhà nước không phải là 1.300 mà phải lên tới hơn 3.000 đơn vị, chưa tính còn doanh nghiệp của các đoàn thể là hơn 8.000 đơn vị, doanh nghiệp công ích là 11.000 đơn vị. “Nếu cứ phân tích cái thế nào đó để đưa ra kết luận thì rất khó”, nguyên Phó Thủ tướng bày tỏ. 

Theo các chuyên gia kinh tế, những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích nữa. Hệ quả, không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Hay nói cách khác, có con số đúng mới có giải pháp trúng. Nếu con số thống kê không đúng, sai lệch nhiều thì không những đưa ra các đề xuất về chính sách quản lý của các cơ quan chức năng; các giải pháp, chính sách không đúng mà còn dẫn đến hậu quả khó lường cho xã hội. 

Người ta vẫn nói vui “nói phét không bị đánh thuế”. Thế nhưng, khi đã là con số, là lời phát ngôn từ cơ quan công quyền, từ đơn vị quản lý chức năng thì đều phải chuẩn mực, đúng sự thật. Giá như “con số mà biết nói năng” thì tình trạng “báo cáo sai, báo cáo láo” hẳn được “phát lộ” và ngăn chặn nhiều.