Hội bút Hương Đầu Mùa ngày ấy - bây giờ

ANTĐ - “Mẹ” Hoa Học trò tròn 20 tuổi, còn đứa con Hương Đầu Mùa cũng đã 18 xuân xanh. Chúng tôi đã trên dưới hai lần “18 tuổi”, nhưng vẫn thấy mừng vui cập rập khi gặp lại nhau, vẫn nhìn thấy trong mắt nhau một thời “mây vương trên tóc, nắng đậu trên vai”.

Khi người ta 15 tuổi

Cách đây 20 năm, chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé mặt non búng sữa, tóc mây rối bời và báo Hoa Học trò như một chân trời mới mở ra đầy háo hức và mời gọi. Những sáng tác của bạn bè cùng trang lứa chắc hẳn đã kích thích chúng tôi viết ra những mơ mộng, xốn xang của tuổi học trò. Hồi đó, chúng tôi viết như nghĩ với những khát khao mà ảo tưởng đầy lãng mạn.

 Hội bút Hương đầu mùa giao lưu với các bạn trường Năng khiếu Thái Nguyên tháng 5.1997

 Hội bút Hương đầu mùa giao lưu với các bạn trường Năng khiếu Thái Nguyên tháng 5.1997

Tôi viết truyện ngắn “Khuyên ngố” khi tôi đang học năm lớp 11. Tôi vẫn nhớ ngày tim tôi vỡ oà thổn thức khi nhìn thấy truyện ngắn của Nguyễn Diệu Linh (lớp 11B trường PTTH Biên Hoà, Hà Nam). Và trong mắt bạn bè, tôi đọc được nhiều sự ganh tị, nể phục.

Nhưng sau đó, tôi chủ yếu viết tuỳ bút. Những bài viết gắn với thế giới cây cỏ, bùn đất và kỷ niệm thơ ấu đầy hồn hậu và trong trẻo. Bây giờ đọc lại thấy ngây ngô, rất nhiều câu văn so sánh, ẩn dụ, thậm chí đôi lúc còn thấy sến và sáo. Nhưng hình như lúc đó cảm xúc ngập tràn nên mới có thể viết về những điều dung dị mà lại yêu thương đến vậy.

Những đoạn văn miêu tả như: “Âm thanh ngàn cỏ xôn xao một góc quê bé nhỏ của tôi. Tôi nghe qua hồn tôi, tiếng cỏ an ủi sẻ chia lúc buồn, thấy cỏ cười ríu rít lúc vui. Cỏ kim mâu hò hét đánh trận giả với chúng tôi, cỏ kèn hô xung phong, cỏ lau phất cờ chiến thắng” hay “Tiếng mọt kêu lách rách như mưa, bám riết vào trí não. Đêm đằm xuống hai vai. Con chẫu chuộc ngửa cổ kêu trời, đập từng tiếng õng nước vào đêm. Lòng lừng khừng nửa thức nửa ngủ. Không gian đặc quánh lại, cảm thấy rõ thời gian bò buồn buồn trên mặt…”.

Bây giờ khó viết được những câu như thế. Có lẽ vì mình đã nhìn cuộc sống quá trần trụi và thẳng thắn. Mới thấy, chỉ ở tuổi ấy, chỉ vào thời ấy, mình mới cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn như vậy.

Đặng Thiều Quang - D’tanhang đã chia sẻ rằng: “Nếu ngày đó, những thứ “ngớ ngẩn” chúng tôi viết mà không được đăng báo, hẳn là giờ này cuộc đời chúng tôi đã rất khác”. Điều này đúng với tôi và có lẽ điều này đúng với nhiều bạn bè trong Hội bút. Chúng tôi đã viết như chúng tôi sống, chúng tôi mộng mơ về thế giới nghịch ngợm và mơ mộng, lãng mạn và khao khát, nông nổi, dại khờ.

Người thầy, người bạn - người cha

Có lẽ, con đường văn chương của tôi chỉ dừng lại ở đó nếu không nhận được những lá thư chỉ bảo tận tình và đầy yêu thương của ba Mai (nhà báo Nguyễn Như Mai - biệt hiệu Mãi Như Nguyên). Hồi đó, mỗi lần tôi gửi bài, ba Mai đều viết thư trả lời, phân tích chỗ hay, chỗ dở. Nhưng tôi nhớ, chưa bao giờ ba làm tôi cảm thấy nản lòng, thất vọng.

Hội bút Hương đầu mùa tại chùa Trăm Gian năm 1996

Hội bút Hương đầu mùa tại chùa Trăm Gian năm 1996

Ba không cổ vũ tôi nhưng trong mỗi lời nói, ba đều ghi nhận rằng tôi có khả năng viết và tôi hãy cố gắng viết tôi hơn. Hầu như tuần nào ba cũng viết cho tôi 1-2 lá thư, tuỳ vào việc tôi gửi thư cho ba nhiều hay ít. Thậm chí, sau này, tôi còn chia sẻ với ba Mai nhiều quan điểm sống của mình, kể cả chuyện vui lẫn buồn ở trường, ở lớp. Và ba đã đọc, đã trả lời, đã chia sẻ hết bằng đó chuyện. Hồi đó, tôi rất cảm động trước chân tình của ba nhưng cũng không hề băn khoăn rằng ba Mai đã lấy đâu ra thời gian để đọc và trả lời thư của tôi.

Vì thời đó, ba Mai làm Trưởng ban biên tập của báo Hoa Học Trò, một mình phải làm “hướng đạo sinh” cho không chỉ mình tôi mà còn hàng trăm, hàng nghìn các cây bút khác. Đọc bài viết, đọc thư, rồi trả lời. Có lẽ, việc đó đã chiếm mất một khoảng thời gian, công sức khổng lồ của ba. Tôi thật có lỗi khi chưa một lần hỏi ba về điều đó.

Không biết, 20 năm về trước, ba có nghĩ rằng chính sự động viên, chia sẻ, dìu dắt của ba đã giúp những mơ ước văn chương thở học trò thơ dại mới chỉ bé bằng hạt đỗ đã lớn thành cây, đơm hoa, kết trái như ngày nay.

Khi Hội bút Hương Đầu Mùa được thành lập, ba Mai không chỉ làm người “chủ bút” văn chương mà còn là người bạn lớn, người cha của gần 100 cây bút ở khắp mọi miền Tổ quốc. Và mỗi cây bút đều được ba chăm chút từng câu chữ, lời văn. Ngôi nhà của ba ở ngõ nhỏ phố Đội Cấn thường xuyên là chỗ tụ tập của Hội bút. Ba Mai nghỉ hưu đã lâu, có một ngôi nhà ấm cúng trên đường Hoàng Quốc Việt nhưng ba vẫn tiếp tục sự nghiệp “trồng người”, “dưỡng văn” cho nhiều tờ báo, nhiều chương trình truyền hình dành cho thanh thiếu niên.

Ngoài ba Mai, chúng tôi còn được nhiều các anh chị khác trong báo Hoa Học Trò giúp đỡ, dìu dắt như anh Lưu Quang Định (nay là Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay), anh Chánh Văn - Đoàn Công Huynh (TBT báo Tiền Phong), anh Việt Văn (báo Lao Động), anh Hoài Linh (báo Tuổi trẻ TP.HCM), chị Hồng Vân, Tường Vân, Trang Thơ vẫn chung thuỷ với báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò

Hương Đầu Mùa trĩu quả

Hội bút Hương Đầu mùa thời kỳ đầu tiên tụ hội nhiều cây viết sắc sảo và mỗi người một tài lẻ riêng. Trưởng bút là Trang Hạ hồi đó viết truyện ngắn lãng mạn mà D’tanhang (Đặng Thiều Quang) gọi là “văn chương màu hồng tím” - một tên gọi rất chuẩn, thậm chí kể cả tính cách của Trang Hạ thời bấy giờ. Tôi vẫn nhớ một Trưởng bút dịu dàng, yểu điểu, mơ mộng, thường mặc áo dài trắng tinh đi họp Hội bút, nói năng lưu loát nhưng rất chỉn chu.

Còn D’tanhang hơi choắt với giọng văn buồn, lặng lẽ và ngơ ngác - giống như Nhăng. Một Tháng Giêng (Phú Bình) trán dô bướng bỉnh, ăn nói lừng khừng nhưng văn chương lại sướt mướt. Một Phương Mai nghịch ngợm, đáo để còn câu chữ lại ấm áp, đầy tình người.

Một Đinh Thu Hiền làm thơ về thời mực tím đầy bay bổng và sâu sắc. Học Trò Tếu (Phạm Hữu Quang) viết hóm hỉnh. “Hoa hậu” Hội bút Đường Hải Yến - tên xinh như người. Còn Lê Thu Thuỷ viết truyện ngắn đều như “vắt chanh”, sau này còn đăng khá nhiều trên cả báo Tiền Phong. Dạ Thảo nổi đình nổi đám với phóng sự học trò “hội tẻm tây”.

Thời kỳ đó học trò không có điện thoại, không có Internet như bây giờ nên lấy viết thư làm cây cầu tình bạn. Nhưng học trò lại viêm màng túi nên thường xuyên phải lấy tem đã dùng, tẩy dấu của bưu điện đi và dùng lại. Hình như sau khi phóng sự “hội tẻm tây” đăng báo, bưu điện cũng đã “có ý kiến”. Nhưng những cánh thư “tem tẩy” vẫn luôn tới nơi, có lẽ, nhân viên bưu điện cũng thấy “thông cảm” với tuổi học trò ít tiền nhưng nhiều tâm tư, tình cảm.

Còn cả Tiểu Tuyền Thư - bút danh và truyện ngắn ướt át tưởng chừng như của một tiểu thư đài các hoá ra lại là chàng Nguyễn Vĩnh Tiến đa tài đủ ngón thơ ca nhạc hoạ. Rồi Hoàng Phương lúc nào cũng ngông nghênh như chú nhóc con, Khánh Hạ có đôi mắt của nàng Helen trong thần thoại Hy Lạp, Đương Huyền Phương xinh đẹp và điệu đà, Hoàng Long điển trai và diêm dúa, Bình Nguyên Trang mộc mạc. Những Nguyễn Lam Điền, Kiều Bích Hậu, Lê Thanh Lương, Bản cô nương Trăng tròn Hằng Nga, Hoàng Thị Xuân Quý điềm đạm, Nguyễn Thuý Quỳnh cao lớn, Kiều Ly gầy gò, Thuỷ Tễu liến láu…

Rồi lớp sau của hội bút có Nguyễn Trung Kiên, Hoaliti Ngọc Anh, Chu Minh Vũ, Phan Hưng, Hoàng Anh Tú, Dương Bình Nguyên, … Phía Nam có một số giọng văn rất ngọt như Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên, Dương Thuỵ, Hải Miên, Đông Nghi (Kon Tum), Đặng Nguyễn Đông Vy và một số lãng tử như Trọng Phước, Trịnh Võ Trung Nghĩa...

Tôi vẫn nhớ Dương Thuỵ lần đầu tiên ra Hà Nội vào dịp Tết. Không chịu nổi lạnh nên Dương Thuỵ trông như một cái chăn di động, cái mặt xinh xinh chỉ nhú ra khỏi lớp khăn áo dầy cộm nhưng cô nàng vẫn luôn miệng la bai bảo vì lạnh. Nghe giọng Thuỵ non nớt, dễ thương, có ối chàng Bắc muốn "nhường cơm sẻ áo".

Chúng tôi đã từng có những buổi giao lưu với các trường đầy náo nhiệt, trải qua cảm giác được các bạn học trò chen nhau xin chữ ký như những ngôi sao thật sự. Rồi những lần đi chơi ngập tràn tiếng cười vui, mơ mộng. Chúng tôi cũng có những đêm đi chơi, kể cho nhau nghe về những ngày đã sống, về bạn bè và những ước mơ. Dường như những câu chuyện không đầu không cuối nhưng lại lưu giữ những xốn xang đến tận bây giờ.

Một số thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa trong dịp kỷ niệm 20 năm ra mắt báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học trò

Một số thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa trong dịp kỷ niệm 20 năm ra mắt báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học trò

Từ những ngày đầu tiên chập chững, bén duyên với văn chương và được Hoa Học Trò nhen lửa, 20 năm sau, hầu hết hội viên Hương Đầu Mùa đều theo đuổi nghịêp viết lách. Đa số đều làm báo, trở thành những cây viết vững vàng, một số người đã xuất bản tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ của riêng mình.

Tháng Giêng làm Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trang Hạ không còn “hồng tím” mà sắc sảo, đốp chát với những chuyên mục riêng biệt của báo Tiền Phong, D’tanhang làm kiến trúc sư, viết sách, “nàng” Tiểu Tuyền Thư thành công ở cả lĩnh vực viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc và vẽ; Nguyễn Châu Giang vừa vẽ vừa viết, Dương Thuỵ ra tiểu thuyết trong khi làm nhân viên marketting, Bình Nguyên Trang (báo Công an nhân dân); Dạ Thảo (Thông tấn xã Việt Nam), Hoàng Phương (Đài TH Hà Nội), Hữu Quang, Diệu Linh, Ngọc Anh (báo Nông thôn Ngày nay), Phùng Nguyên (báo Tiền Phong), Lê Thanh Lương (báo Pháp luật Việt Nam); Lê Thu Thuỷ (báo Lao Động), Phong Điệp (Văn nghệ trẻ), Chu Quốc Dũng (báo An ninh Thủ đô), Hoàng Anh Tú (Sinh viên Việt Nam), Đường Hải Yến, Phương Mai “dạt vòm” tận trời Tây…

Mỗi người mỗi việc nhưng có lẽ nghiệp văn chương còn đeo đẳng mãi. Như D’ta nhang từng tâm sự: “Họ lại có thứ niềm tin vào văn chương đến vậy, vì văn chương hứa hẹn đem lại cho họ một thế giới như họ muốn, những ảo tưởng, giống như ma túy vậy, gây ra ảo giác, gây nghiện, suốt đời...”, còn Trang Hạ cũng chiêm nghiệm: “Nhưng chúng tôi đã làm nên một ký ức rất sâu sắc và gây nên một làn sóng hướng về phía cái đẹp, cái thuần khiết lắng đọng, cái phía nâng niu cuộc sống say mê cuộc sống và cả chất chồng khủng hoảng của những tuổi mới lớn thời đó, qua văn chương”

Không chỉ một mùa quả ngọt, Hương Đầu Mùa vẫn còn lưu hương thơm mãi, tiếp tục cho ra những mùa quả ngọt.