Hồi âm sau bài báo “Vỡ mộng nơi đất hứa”: Đã có sự can thiệp từ nhiều phía

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô có bài “Vỡ mộng nơi “đất hứa” phản ánh việc 12 lao động Việt Nam được Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1) ký hợp đồng đưa đi XKLĐ tại A rập Xê út nhưng không bố trí đúng công việc như đã ký kết. Hậu quả là các lao động này đã phản ứng bằng cách đình công dẫn đến bị chủ sử dụng bỏ đói, không cung cấp lương thực nhiều ngày. Sau khi báo đăng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã yêu cầu HICC1 nhanh chóng giải quyết…

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin và tuyên truyền - Cục QLLĐNN cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, phía HICC1 đã có văn bản gửi Cục QLLĐNN, Bộ Ngoại giao cùng đại sứ quán của 2 nước Việt Nam và A rập Xê út trình bày sự việc đồng thời cũng đề nghị can thiệp giúp đỡ. Theo văn bản này thì ngày 20-9-2011, Công ty HICC1 đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Al-Hajaj để cung ứng lao động Việt Nam sang A rập Xê út làm việc. Ngày 25-10-2011, HICC1 đã tổ chức cho 12 lao động xuất cảnh sang làm việc theo thư yêu cầu tuyển dụng và hợp đồng đã ký với đối tác.

Tuy nhiên, khi lao động nhập cảnh, công việc cho lao động không đúng như trong thư yêu cầu tuyển dụng, điều kiện sinh hoạt kém, chỗ ở chật chội, môi trường sống xung quanh ô nhiễm, thiếu điện nước và thực phẩm… khiến người lao động bức xúc không muốn làm việc. Nhận được thông tin từ người lao động, HICC1 đã liên tục liên lạc với môi giới yêu cầu kiểm tra, giải quyết, bố trí cho người lao động trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, HICC1 liên lạc và nhờ ngài Đại sứ của Đại sứ quán A rập tại Việt Nam gọi điện cho môi giới cùng can thiệp.

Chính vì có sự can thiệp từ nhiều phía nên sau đó, đại diện Công ty Al-Hajaj - ông Aldosari Abdullah Mohammetd - đơn vị đã ký hợp đồng nhận 12 lao động Việt Nam sang làm việc đã có văn bản phản hồi cho biết: “Chúng tôi đón 12 lao động tại sân bay và đưa họ về trang trại chúng tôi để làm việc ngày 28-10-2011. Trang trại cách trung tâm Thủ đô Riyahd khoảng 500km. Ban đầu chúng tôi cung cấp cho người lao động với đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt và một số thiết bị cần thiết nhưng người lao động phàn nàn là không phù hợp và không đủ. Chúng tôi đã quyết định trả phụ cấp tiền ăn cho người lao động như yêu cầu và hợp đồng là 200 SR/tháng/lao động và đưa họ đi chợ mua lương thực. Dù vậy lao động vẫn không đồng ý và bắt đầu đình công từ ngày 16-11-2011. Người lao động đình công không đi làm, chúng tôi không thể cung cấp cho họ lương thực, thực phẩm. Vậy, đề nghị ông giúp chúng tôi tư vấn và khuyến khích người lao động đi làm”. Ông Aldosari Abdullah Mohammetd khẳng định: “Nếu lao động chăm chỉ, chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng đúng các điều kiện về lương, lương làm thêm, phụ cấp tiền ăn, bảo hộ lao động và phòng nghỉ phù hợp. Chúng tôi sẽ đảm bảo mọi điều kiện, điều khoản như yêu cầu và hợp đồng đã ký”.

Theo ông Trần Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động của HICC1 thì ngày 3-12-2011 công ty đã cử người sang A rập Xê út gặp chủ sử dụng cũng như 12 lao động Việt Nam. Sau khi có cuộc làm việc giữa 3 bên là người lao động, chủ sử dụng và đại diện HICC1, sự việc đã bước đầu được tháo gỡ. Phía chủ sử dụng đã chấp nhận bố trí lương thực, thực phẩm và đã cải thiện điều kiện sống cho số lao động Việt Nam. Cũng theo HICC1, đối với việc sử dụng lao động không đúng như trong hợp đồng cũng đang được điều chỉnh. Cụ thể là với những công nhân ban đầu ký hợp đồng làm thợ hàn, thợ xây, lái máy xúc… nếu chấp nhận tiếp tục làm việc trái ngành thì cũng sẽ được trả lương bằng với mức lương theo đúng công việc chuyên môn của họ.