Hỏi 257 doanh nghiệp có đủ đánh giá môi trường kinh doanh Hà Nội?

ANTĐ - Chỉ từ ý kiến của 257 doanh nghiệp (DN), bằng 0,28% tổng số DN đang hoạt động tại Thủ đô, thật khó có thể đưa ra kết luận tin cậy cho bức tranh môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của TP Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố thường xuyên đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để có giải pháp kịp thời

(Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo lắng nghe ý kiến của ông Tăng Bá Cường, 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX&TM Phúc Tiến - KCN Quang Minh I)

Tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi quá thấp

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chỉ được hình thành thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước nhưng cũng tạo ra sức nặng đáng kể cho các địa phương. Năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội được tính toán dựa trên kết quả điều tra 257 DN, chỉ bằng 0,28% số DN dân doanh đang hoạt động (khoảng 90.000 DN). Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ điều tra chung của cả nước là 2,1%. Con số 0,28%, một tỷ lệ quá thấp DN được lấy ý kiến, khiến nhiều người chưa thật yên tâm nếu “áp đặt” kết quả có được để đại diện cho toàn bộ 90.000 DN đang hoạt động tại Hà Nội.

Trong những chỉ số cấu thành nên PCI của Hà Nội, có những chỉ số đạt mức cao, thậm chí đứng đầu cả nước như chỉ số “đào tạo lao động”, xếp hạng 1/63. Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác lại tụt rất sâu, thậm chí đứng chót bảng như chỉ số “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, xếp hạng 63/63. Chính những chỉ số này kéo PCI Hà Nội về mốc 51/63, tụt 15 bậc so với năm 2011. Có thể tìm hiểu tính khách quan của PCI khi phân tích một ví dụ cụ thể là chỉ số mà Hà Nội đứng “đội sổ” kể trên. Là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, thị trường bất động sản Hà Nội cũng là nơi sôi động nhất. Giá trị đất đai cao nhất nước nên tất yếu việc tiếp cận đất đai tại Hà Nội luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN, nhà đầu tư.

Khác với nhiều địa phương, mỗi ô đất ở Hà Nội đều có cả chục nhà đầu tư, DN “nhòm ngó”. Ở một số tỉnh, khi nhà đầu tư tới đặt vấn đề, lãnh đạo tỉnh có thể cầm tay đưa DN thẳng tới miếng đất nào đó để giới thiệu với họ. Ở Hà Nội, không có chuyện như vậy, bởi đơn giản là TP không thể quá nghiêng về DN nào. Nếu ai đó nhiệt tình “cầm tay” DN, thay vì được đánh giá là “năng động”, rất có thể các DN cạnh tranh khác sẽ nghĩ có biểu hiện tiêu cực.

Hà Nội hiện đang có số DN rất lớn, chiếm 25% số lượng DN cả nước. Thế nên, so với các tỉnh, thành phố khác, gần như một lẽ tự nhiên, DN có nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính. Nếu như ở tỉnh lẻ, mỗi ngày có khi chỉ chục lượt DN tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh và mã số thuế thì ở Hà Nội khoảng 600-700 lượt, gấp 60-70 lần. Đó là chưa kể ngoài các DN, TP còn phải phục vụ nhu cầu hành chính rất lớn của người dân. Chẳng hạn, chỉ riêng huyện Từ Liêm, năm 2012, đã phải giải quyết tới 470.472 hồ sơ hành chính các loại (đạt 99,56%). Sự quá tải của hệ thống phục vụ dẫn tới DN mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại, gây ra bức xúc. Nhìn rõ thực tế này, nên dù đã quá tải, luôn phải chịu áp lực lớn, yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian xử lý luôn được TP chú ý. Cụ thể, TP đã sửa đổi, bãi bỏ 175 TTHC. Nhiều thủ tục được rút ngắn 1/3, 1/2 thời gian thực hiện...

Hà Nội vẫn rất hấp dẫn

Thực tế, Hà Nội đã có trên 41 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư với 2.456 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 21,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trên toàn quốc. Thứ hạng này cho thấy, sức hút của Thủ đô vẫn luôn ở vị trí cao. Nói như vậy không có nghĩa TP không cần tiếp tục hoàn thiện mình. Ở góc nhìn quản lý, lãnh đạo TP luôn lắng nghe và cầu thị. Việc tụt hạng chỉ số PCI, dù còn ý kiến khác nhau nhưng vẫn được xem như lời cảnh báo, nhắc nhở với Hà Nội. TP cũng thẳng thắn thừa nhận những yếu kém, bất cập trong bộ máy để tìm giải pháp khắc phục. 

Thực hiện cam kết luôn đồng hành với DN, lãnh đạo TP đã thường xuyên đối thoại trực tiếp với DN. Từ sau Tết tới nay, Hà Nội đã tổ chức 3 cuộc làm việc như vậy. Chỉ trong 1 tuần (từ 15-3 tới 22-3 vừa qua), lãnh đạo TP đã có 2 cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cộng đồng DN. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp tới tận xưởng sản xuất của DN  để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu khó khăn của DN để đưa ra giải pháp phù hợp. Tới đây, TP dự tính sẽ phát phiếu khảo sát tới từng doanh nghiệp để cộng đồng DN góp ý cho TP tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Dù có hay không có PCI, đây vẫn là những việc TP cần phải làm. Bởi không có DN, Hà Nội cũng không thể hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mình. Sức hút của Thủ đô không phải tự thân đã có, mà còn xuất phát từ nỗ lực từng ngày, từng giờ của chính quyền thành phố.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó trưởng ban phụ trách, Ban Pháp chế VCCI: “PCI của Hà Nội giảm do nhiều nguyên nhân khách quan”

PCI được coi như “nhiệt kế” đo cảm nhận của doanh nghiệp trên địa bàn, đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền từ thành phố đến quận, huyện. Chúng tôi loại bỏ các yếu tố về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng... để điều tra doanh nghiệp trên mặt bằng chung là Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... Hà Nội có nhiều điểm mạnh truyền thống như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất cả nước, đào tạo nhân lực cao nhất cả nước; có lợi thế ít địa phương nào sánh kịp về cơ sở hạ tầng, nhân lực trình độ cao, khoa học - công nghệ... Nếu đưa các yếu tố này vào tiêu chí đánh giá PCI, chắc chắn Hà Nội sẽ đứng đầu cả nước. Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn vào làm ăn kinh doanh tại Hà Nội, vì ở đó có sân bay quốc tế, bệnh viện quốc tế, hạ tầng phù hợp... Tuy nhiên, Hà Nội cũng có điểm yếu chậm được khắc phục như: tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức cao. 

Riêng năm 2012, PCI của Hà Nội giảm vì có nguyên nhân khách quan. Đây là năm kinh tế cực kỳ khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp giảm sút trong khi độ mở của nền kinh tế Hà Nội lại lớn, các khó khăn này lập tức tác động vào Hà Nội đầu tiên. Do doanh nghiệp khó khăn nên lợi thế của Hà Nội không phát huy được, điểm yếu lại chưa được khắc phục nên Hà Nội bị tụt hạng. Bên cạnh đó, có thể việc hợp nhất với Hà Tây cũng làm ảnh hưởng đến PCI của Hà Nội. 

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh: “Hà Nội gặp nhiều khó khăn hơn trong điều hành”

 PCI 2012 cho thấy, chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội thấp nhất cả nước, các chỉ số thành phần khác đạt điểm trung bình. Tôi cho rằng việc hợp nhất Hà Nội và Hà Tây năm 2008 đã khiến Hà Nội gặp nhiều khó khăn hơn trong điều hành. Bên cạnh đó, giá đất tại Hà Nội cao hơn các địa phương khác. Một số thủ tục hành chính rườm rà do yêu cầu của địa phương đứng đầu cả nước nên cảm nhận của doanh nghiệp về việc điều hành chưa cao. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội cần nỗ lực cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách nghiêm túc, mạnh mẽ, đối thoại trực tiếp để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.