Học viện Âm nhạc Quốc gia đứng ngoài cuộc

ANTĐ - Sau những thành công từ việc tổ chức và duy trì chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam lại có ý định đào tạo âm nhạc chính quy, cụ thể là đưa di sản âm nhạc Bắc bộ vào giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế.

Dự định này được nhiều người trong giới cổ nhạc đánh giá là mạnh dạn song có phần liều lĩnh.

 

Hát văn, hát xẩm sẽ trở thành môn học chính quy tạiHọc Viện Âm nhạc Huế bắt đầu từ tháng 9-2011

Nói liều là bởi, trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật truyền thống ngày càng lép vế trước những thể loại âm nhạc hiện đại như pop, rock hay hiphop… Và cũng nói là liều bởi, từ trước cho tới nay trong hệ thống giáo trình nhạc cổ truyền dân tộc vẫn được đào tạo theo kiểu mỗi thứ một tí. Theo Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, hệ thống các học viện âm nhạc ở cả 3 miền hiện nay, chủ yếu đào tạo 2 loại nhạc cơ bản là nhạc cổ điển châu Âu và nhạc dân tộc nhưng là nhạc dân tộc cải biên.

Còn Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết, việc đào tạo cổ nhạc chưa thực sự được coi là biện pháp bảo tồn đấy là còn chưa kể đến, chương trình đào tạo nhạc cụ dân tộc và hát dân ca lại đi theo phương pháp của… Tây. Có thể hiểu, chúng ta đang tiếp cận tinh hoa di sản dân tộc mình với vai trò của khách qua đường, thấy vui thì học, thì xem, chứ không phải là những chủ nhân thực sự của di sản đó.

Không phải bây giờ, khi hàng loạt di sản của Việt Nam được thế giới vinh danh như trường hợp của nhã nhạc, ca trù hay quan họ… thì người ta mới nghĩ đến chuyện cần phải đào tạo thế hệ kế cận cho bài bản hơn, tránh nguy cơ thất truyền. Từ nhiều chục năm về trước, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ tâm huyết đã phải than trời! Song, dường như những tiếng than đó không thấu tới… trời.

Và vì thế, việc đào tạo cổ nhạc cứ ngày một xa rời gốc rễ, đến thời điểm này phải thừa nhận, đang có một lỗ hổng lớn. Việc Học viện Âm nhạc Huế, thành lập khoa Âm nhạc di sản, môn học được cấp mã ngành hẳn hoi đã bắt đầu hé mở hy vọng về một lứa sinh viên đầu tiên hiểu biết đúng đắn hát văn, quan họ, xẩm, ca trù, đàn- hát trống quân…

Đó là một viễn cảnh tươi đẹp, nhưng để tháng 9 này, khoa Âm nhạc di sản đi vào hoạt động, chắc chắn những người trong cuộc phải đối mặt với không ít thách thức và phải trả lời thỏa đáng những câu hỏi mà mấy chục năm qua bị bỏ lửng. Đầu ra thế nào? Thực tế là ở đầu vào, các học viện ngốn hàng “núi tiền” ngân sách đào tạo (Nhà nước đã có chính sách giảm 70% học phí cho sinh viên theo nghệ thuật truyền thống) nhưng đầu ra vô cùng… ế ẩm, bởi thực sự xã hội hiện không có nhu cầu ngoài việc cần một cái bằng đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ và cần một chân biên chế “chờ đợi thời cơ”.

Nếu giờ đây, chúng ta tiếp tục đưa các thể loại dân ca khác vào đào tạo thì liệu có lặp lại tình trạng “học chỉ để mà học” không? Khó khăn thứ 2 nằm ở chỗ người truyền dạy. Liệu các thế hệ nghệ nhân giỏi có được trưng dụng vào biên chế chính quy hay chỉ được “thỉnh giảng” hoặc mời dạy theo giờ như hàng chục năm qua? Đây là vấn đề hết sức tế nhị, bởi chỉ có một chế độ đãi ngộ và trân trọng đúng mức mới có thể quy tụ được những tài năng cổ nhạc vốn không còn bao nhiêu.

 Cách đây hàng chục năm, các chuyên gia nước ngoài đã thẳng thắn nhận xét giáo trình của Việt Nam tụt hậu so với châu Âu tới 80 năm. Hiện tượng vừa thừa vừa thiếu các môn học đã được cảnh báo từ rất lâu, nhưng không hề có thay đổi nào. Ví dụ học sinh học cổ nhạc Việt Nam không cần phải bắt buộc học các môn nhạc châu Âu. Còn nữa, việc đào tạo bấy lâu nay ở môi trường này vẫn dựa trên hệ thống do, re, mi...  của Tây phương làm công cụ chính.

 

 Vậy chúng ta tiếp tục dạy cổ nhạc dân tộc theo hướng đó hay trở lại phương pháp đào tạo truyền khẩu, truyền ngón nghề trực tiếp kiểu các nghệ nhân? Còn rất nhiều chi tiết khác trong quá trình đào tạo cần phải tỉnh táo đặt định nếu nhà trường thực sự muốn lưu truyền các giá trị cổ nhạc đích thực?! Chúng ta cần những nghệ sĩ chuyên sâu hay cần những nghệ sĩ biết mỗi thứ một tí như trước đây?

Việc Học viện Âm nhạc Huế đưa dân ca Bắc bộ vào giảng dạy chính quy khiến nhiều người phải băn khoăn đặt câu hỏi. Sao Học viện Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội lại không làm được điều này. Bởi ai cũng biết, mỗi miền có một đặc sản riêng. Vấn đề nên tổ chức đào tạo ra làm sao, bởi các di sản phi vật thể nên gắn nó với không gian văn hóa, và vùng miền nơi nó được sản sinh ra, trước khi được lan truyền đi nơi khác.

Nên đặt mục tiêu di sản âm nhạc địa phương lên hàng đầu nếu chúng ta không muốn rơi vào tình trạng tản mạn thiếu tập trung. Bởi người thầy tài năng vốn đã không có nhiều, làm sao có thể trải rộng mô hình đào tạo “tổng lực” khắp nước. Học viện âm nhạc đặt tại miền nào nên “chịu trách nhiệm” truyền dạy, bảo lưu các giá trị nhạc miền đó.

Vì sao đàn và hát dân ca Bắc bộ (chưa bị cải biên) lại không được đào tạo trước ở cái nôi âm nhạc hàng đầu ở miền Bắc là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà lại phải đi đường vòng vào Huế rồi chờ đợi, hy vọng một ngày được ra Bắc?