Học trực tuyến thời Covid-19: Gặp cái khó mới ló cái khôn

ANTD.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, giải pháp tình thế để ôn tập cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi THPT Quốc gia 2020 là học trực tuyến. Trong ngày đầu triển khai, nhiều em học sinh đều thấy rằng để học trực tuyến hiệu quả không hề đơn giản. 

Học sinh thích thú với chương trình dạy học trực tuyến

Sau khi buổi học trực tuyến đầu tiên được phát sóng trên truyền hình, Youtube và fanpage của Đài Truyền hình Hà Nội, nhiều em học sinh đã tỏ ra thích thú hơn với mô hình học mới này.

“Việc học trực tuyến không hề đơn giản như em nghĩ. Mặc dù có rất nhiều thầy cô giáo có các video bài giảng khác nhau ở trên Youtube nhưng không phải người nào cũng phù hợp với bản thân em. Việc tìm một giáo viên là điều quan trọng để có thể học trực tuyến tốt. Và may mắn cho em, là những người giáo viên đó xuất hiện tại chương trình học trực tuyến chiều nay”, em Nguyễn Thảo My (học sinh lớp 12A12, trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm) chia sẻ.

Em Nguyễn Thảo My đang theo dõi buổi học trực tuyến do Đài Truyền hình Hà Nội phát sóng

Còn em Phạm Trung Anh (học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành) nhận thấy: “Đối với em, chương trình không quá khó, bài giảng dễ nắm bắt mà thuận tiện cho bọn em để theo dõi. Không cần quá phức tạp, cầu kỳ, em chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể tham gia lớp học được rồi”.

Ngay sau khi kết thúc buổi học trực tuyến, các video đã được upload lên để tiện cho việc theo dõi lại của học sinh. Mỗi video ngắn gọn trong khoảng 30 phút đồng hồ nhưng cô đọng được nhiều kiến thức và các dạng bài cơ bản trong chương trình bậc THPT.

Sĩ tử “cân não” với “bài toán” học trực tuyến

Bên cạnh đó, một số em học sinh lại cảm thấy khó thích nghi với mô hình học này, phần lớn đều cho rằng việc học trực tuyến không có sự kết nối, tương tác trực tiếp giữa người dạy và học sinh nên không thể tạo động lực để học như lúc ở trên trường.

Em Nguyễn Trọng Lượng (học sinh THPT Cầu Giấy) nói rằng: “Trong thời gian nghỉ dịch em thường học qua hệ thống thi trắc nghiệm của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhờ đó, em có thể chủ động được thời gian học của mình. Vậy nhưng vẫn không thể thoải mái bằng việc có giáo viên giảng dạy trực tiếp trên lớp, bởi các thầy cô đã nắm rõ sức học của học sinh.”

Như vậy, việc học trực tuyến đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ sức học của bản thân để lựa chọn các dạng bài phù hợp, cân đối thời gian làm bài và rèn luyện các kĩ năng xử lý đề thi.

Ngoài việc không thể nắm bắt sức học, một bất cập khác của việc học trực tuyến là các bình luận trao đổi với giáo viên trên livestream trôi rất nhanh vì lượng người xem đông. Chưa kể rằng, không gian mạng là một nơi không hề an toàn, những thành phần xấu sẽ xuất hiện và xảy ra tình trạng ăn nói thiếu kiểm soát ngay tại livestream.

Gặp cái khó mới ló cái khôn

Học trực tuyến không phải là tự học hoàn toàn mà vẫn dưới hình thức tự học có hướng dẫn của các giáo viên trên lớp. Các giáo viên sẽ giao bài tập thông qua một website. Sau đó thực hiện công việc chấm điểm nhanh chóng, bởi hình thức kiểm tra là trắc nghiệm. Giáo viên sẽ lọc ra những câu phần lớn học sinh của mình sai, thực hiện livestream chữa bài, tương tác với học sinh qua phần bình luận.

Cùng với đó, các học sinh lớp 12 cũng nhận ra rằng, việc học trực tuyến chỉ trở nên có hiệu quả khi mỗi người đều có ý thức tự giác cao. Kết hợp với việc hướng dẫn của giáo viên, các học sinh phải tự tìm kiếm lời giải cho các bài tập, câu hỏi ở trên internet.

Các thiết bị hỗ trợ giáo viên để tổ chức học trực tuyến ngày trở nên phong phú hơn: Điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy chiếu...

Em Nguyễn Thanh Phong (học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Em cảm thấy thoải mái với việc học trực tuyến của bản thân. Em được sử dụng cả laptop lẫn điện thoại để hỗ trợ việc học”.

Tại trường Nguyễn Tất Thành, các giáo viên tổ chức dạy học qua Office 365 mỗi buổi chiều từ thứ Hai đến thứ 6. Đến 17h15, các học sinh sẽ học trực tuyến qua phần mềm Teams, thầy cô sẽ chia sẻ màn hình trình chiếu powerpoint bài học, dạy bài mới và chữa bài.

Trong lúc các thầy cô giảng thì học sinh tắt micro để đảm bảo trật tự, đến lúc cô hỏi thì sẽ bật micro lên để trả lời. Khi kết thúc buổi học, các thầy cô sẽ chuyển filie ghi âm bài học hôm đó cho học sinh. Mỗi tuần, học sinh sẽ có một bài kiểm tra trên Microsoft Forms.

“Điểm làm em thấy thích thú đó là khi học trực tuyến qua Teams là bọn em sẽ được luyện tính tự giác trong việc tiếp thu bài học, chủ động vào đúng giờ học. Hơn nữa là khi học trên lớp sẽ có nhiều bạn ngại phát biểu trước lớp thì bây giờ khi mình học qua Teams thì bản thân bọn em thấy tự tin hơn. Ngoài ra là khi học như này thì bọn em cũng không cần thiết phải chép bài luôn ngay lúc đấy mà em có thể chụp lại màn hình bài học rồi đến khi hết tiết của ngày hôm đấy em sẽ chép lại bài sau, làm như thế thì bọn em sẽ tiếp thu được bài giảng của giáo viên hiệu quả hơn vì khi học trên lớp bọn em phải làm cùng lúc 2 việc là vừa chép bài lại vừa phải nghe giảng nên nhiều lúc vì quá mải chép bài khiến bọn em không tập trung nghe giảng được dẫn đến mất gốc hoặc chưa hiểu rõ bài”, em Phạm Trung Anh chia sẻ thêm.

Nhìn chung, việc học trực tuyến trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đã phần nào giúp các em học sinh tôi luyện thêm tính tự lập, khả năng sáng tạo trong công việc, những kỹ năng mà giáo dục con người toàn diện hướng đến.