Học tiếng Anh trong nhà trường: Cả một sự phí phạm

ANTĐ - Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với hiệu quả dạy và học tiếng Anh trong trường học khi 900 tiết tiếng Anh bậc phổ thông và thêm 200 tiết nữa trên giảng đường ĐH cũng không giúp gì nhiều cho khả năng nghe hiểu, giao tiếp của sinh viên sau khi ra trường.

Bộ GD-ĐT đang phối hợp đưa ra một triệu máy tính giá ưu đãi phục vụ sinh viên học tiếng Anh


Phí phạm vô cùng lớn

“Đã học nhuần nhuyễn hết Let’s go 1, 2,3 trong 5 năm tiểu học, lên lớp 6, cậu con trai của tôi quả quyết là không còn hứng thú gì với môn này ở trường. Hỏi ra mới biết, chẳng hiểu lý do gì các con lại phải bắt đầu học lại từ đầu ở bậc THCS với những kiến thức tẻ ngắt vì đã được tua đi tua lại” -  trưởng khoa Ngoại ngữ một trường ĐH trong nước tâm sự khi nói về chuyện học tiếng Anh. Thống kê về tổng số thời lượng học tiếng Anh trong trường học, TS Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết với 900 tiết tiếng Anh bậc phổ thông, 200 tiết bậc ĐH kết quả sinh viên ra trường vẫn không biết nói tiếng Anh. Cả một sự phí phạm lớn khiến các nhà sư phạm đặt ra nhiều câu hỏi với quá trình đào tạo ngoại ngữ hiện nay.

Xem xét các nguyên nhân thì nguyên nhân vì giáo trình được loại bỏ vì các giáo trình đang sử dụng đều là nhập ngoại. Nói về giáo viên thì chỉ xét riêng giáo viên ĐH đều phải đạt chuẩn trình độ chung. Tuy nhiên vấn đề được nhìn ra theo TS Nguyễn Ngọc Hùng sau 5 tiết dự giờ một buổi học tiếng Anh của sinh viên một trường đại học thì câu chuyện ở đây là sự nhầm lẫn về cách thức giảng dạy khi coi tiếng Anh cũng như các môn Văn, Toán, chỉ thiên về lý thuyết, ngữ pháp, từ vựng mà thiếu coi trọng phần luyện kỹ năng. “ Trong 5 tiết dạy tiếng Anh của một giảng viên thì 2 tiết đầu hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nhưng đến tiết thứ 3 thì chỉ là thầy nói, sinh viên nghe. Trong đó, mỗi sinh viên chỉ có 15 phút để làm bài tập ngữ pháp trước khi giảng viên đưa ra đáp án rồi chuyển sang phần học khác. Điều này cho thấy giảng viên đang áp dụng quy trình ngược. Bài tập chỉ là phần việc sinh viên nên làm ở nhà. Giảng viên dạy quá nhiều kiến thức mà bỏ qua phần tự luyện của sinh viên trong khi học ngoại ngữ điều cần thiết nhất là tập trung vào rèn các kỹ năng. “Sinh viên không thể xem thầy cô dạy rồi nói được tiếng Anh được mà phải có sự khổ luyện” - TS Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.

“Không thể đổ lỗi cho giáo viên phổ thông dạy tiếng Anh khi học sinh, sinh viên không sử dụng thành thạo được ngoại ngữ. Vấn đề ở chỗ các bài thi và kiểm tra từ thi học kỳ tới thi tốt nghiệp, thi đại học tất cả đều chỉ đòi hỏi kỹ năng viết còn các kỹ năng khác đều không được tính đến. Vậy thì làm sao đòi hỏi học sinh, sinh viên biết nói,  biết giao tiếp với môn học này” - cô Nguyễn Thu Anh, giáo viên tiếng Anh THPT của Hà Nội cho biết.

Cần một chuẩn chung

Theo phân tích của TS Nguyễn Ngọc Hùng, với phương pháp giảng dạy truyền thống sẽ cần 1.800 tiết học để một học viên đạt trình độ B2 theo chuẩn quốc tế nhưng nếu áp dụng phương pháp học đúng cách thì chỉ cần 480 tiết học. Một hình thức học đang được Đề án Ngoại ngữ quốc gia khuyến khích hiện nay là phương pháp kết hợp giữa giảng viên với phần mềm học tiếng Anh và quản lý trên máy tính. Hình thức này sẽ giúp cá thể hóa mỗi học viên trong quá trình học tập để có những hình thức bổ sung thích hợp với mỗi cá nhân đồng thời đem lại cơ chế tự học linh hoạt, tăng cường tập trung luyện và hình thành kỹ năng kết hợp với học trên lớp, hướng dẫn, tạo cơ hội giao tiếp và mở rộng ứng dụng. “Với phương pháp này, sẽ có tới 60% thời lượng học tập là ở học viên tự luyện tập có hướng dẫn, 15% là dành cho thi, làm bài tập còn lại giáo viên với sự hỗ trợ của phần mềm này sẽ nắm được học viên còn yếu ở kỹ năng gì để điều chỉnh hợp lý” - TS Nguyễn Ngọc Hùng cho biết.

Với phương pháp học này, khó khăn các trường cũng như học viên gặp phải là không có đủ trang thiết bị trong đó, chủ yếu là phải có máy tính cá nhân. Về vấn đề này ông Hùng cho biết, trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Intel và Hội đồng Anh về phối hợp cung cấp phần mềm và máy tính giá rẻ với dự kiến chỉ khoảng 199USD/máy tính cài đặt sẵn phần mềm học tiếng Anh. Đề án sẽ ưu tiên cho giảng viên dạy ngoại ngữ rồi đến sinh viên và sau đó là học sinh phổ thông với khoảng 1 triệu máy tính sẽ được cung cấp. Tuy nhiên hiện nay, kênh phân phối và phương thức trả góp đang chờ được xác định từ Bộ Thông tin truyền thông.

Theo TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, hiện tại Bộ cũng đang triển khai đề án ngoại ngữ đến năm 2020 trong các trường đại học, theo đó các vấn đề về giảng viên, giáo trình, phương pháp dạy và cơ sở  vật chất sẽ được đầu tư đồng bộ với mục tiêu đến năm 2020 sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, làm việc trong môi trường hội nhập...