Học thực sự

ANTĐ - Khi còn trẻ, Khổng Tử muốn học đàn, ông tìm đến Sư Tương Tử, người giỏi về âm nhạc để bái làm thầy. 

Khổng Tử học hành, tập luyện rất chăm chỉ, ông còn tìm hiểu, suy xét sâu từng bản nhạc để thực sự hiểu. Bình thường, các học trò của Sư Tương Tử chỉ tập một khúc nhạc trong vòng vài ngày là có thể chơi được đúng, còn với Khổng Tử phải mất đến 10 ngày và ông vẫn tiếp tục tập luyện.

Sư Tương Tử bảo Khổng Tử: “Trò chơi khúc này tạm ổn rồi đấy, chúng ta chuyển sang khúc khác thôi”, nhưng Khổng Tử trả lời: “Trò mới chỉ nắm được nhạc điệu, chưa nắm được cái thần của khúc nhạc này, trò nghĩ mình vẫn còn phải tập tiếp”. Hai ngày sau, khi nghe Khổng Tử đàn khúc nhạc, Sư Tương Tử bảo: “Trò đã nắm vững cái thần rồi đấy, chúng ta học khúc khác thôi”, nhưng Khổng Tử vẫn thấy chưa ổn, ông thưa: “Trò chưa lĩnh hội được tư tưởng và tình cảm ẩn chứa trong khúc nhạc này”.

Vài ngày nữa trôi qua, khi nghe Khổng Tử chơi đàn, Sư Tương Tử bảo: “Ta thấy trò đã thể hiện được tư tưởng và tình cảm của tác giả thể hiện trong khúc nhạc rồi đấy, chúng ta học khúc mới đi thôi”, nhưng Khổng Tử vẫn trả lời: “Trò vẫn chưa cảm nhận được tác giả của khúc nhạc này là người như thế nào” và ông tiếp tục tập luyện.

Thầy Sư Tương Tử biết không thể can thiệp vào việc học của Khổng Tử nên ông để Khổng Tử tự quyết định thời gian học khúc nhạc mới, không giục nữa. Một thời gian dài trôi qua, một ngày kia, Khổng Tử vui mừng chạy đến chỗ của thầy Sư Tương Tử thưa rằng: “Thưa thầy, trò đã hình dung ra được tác giả của khúc nhạc tuyệt vời này là ai rồi. Đó là một nam nhi đại trượng phu, người có khuôn mặt nghiêm nghị, dáng cao lớn, là người luôn biết lấy đức để thu phục lòng người và cảm hóa thiên hạ. Đó chính là Chu Văn Vương - vị vua anh minh, phải không thầy?”. Sư Tương Tử vô cùng kinh ngạc mà trả lời rằng: “Đúng vậy, tác giả của khúc nhạc này không ai khác chính là Chu Văn Vương”.

Thầy Sư Tương Tử mãi sau này vẫn kể lại câu chuyện về việc học của Khổng Tử cho các học trò của mình nghe, ông nói: Học để làm được như những người học trước đã làm mà không hiểu sâu, hiểu kỹ, hiểu tường tận thì chỉ là học vẹt. Học và làm được khi đã cảm nhận được tường tận bài học, hiểu những gì tác giả của bài học muốn truyền đạt theo cảm nhận của mình thì đó mới là học thực sự.