Học sinh thành phố không thể đỗ trường tốp đầu vì điểm ưu tiên

ANTD.VN - Chỉ có khoảng 30 thí sinh khu vực 3 trong số gần 500 thí sinh đỗ vào ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội mà không cần cộng điểm ưu tiên.

Hàng loạt số liệu thực tế cho thấy, kỳ tuyển sinh đại học năm nay, số thí sinh khu vực 3, đối tượng không được hưởng điểm ưu tiên khu vực gần như mất cơ hội tiếp cận với những trường đại học tốp đầu bởi chênh lệch quá lớn về điểm thưởng. 

Học sinh thành phố không thể đỗ trường tốp đầu vì điểm ưu tiên ảnh 1Thí sinh khu vực 3 kêu ca vì không thể trúng tuyển vào những ngành điểm chuẩn trên 30 điểm khi không được hưởng điểm ưu tiên

Điểm thưởng lên tới 6,5 là quá lớn

Thí sinh khu vực 3 ở các thành phố lớn hoàn toàn không còn cơ hội vào những trường tốp đầu như công an, y dược khi mà điểm chuẩn có ngành lên tới 30,5 điểm. Cho dù xuất sắc đạt 30 điểm tuyệt đối thì thí sinh khu vực 3 cũng không thể đỗ vào những ngành này bởi không được cộng điểm ưu tiên khu vực hay thuộc đối tượng ưu tiên theo chính sách của Nhà nước dành cho con em dân tộc, con em thương binh, liệt sĩ... 

Nhiều thí sinh chia sẻ, mức điểm cộng hiện nay có bạn lên tới 6,5 điểm, phần lớn thí sinh trúng tuyển các trường tốp đầu đều được cộng 3,5 điểm. Mức điểm này đồng nghĩa với điểm cả chục đáp án ở môn thi trắc nghiệm. Trong khi, để làm được vài câu khó nhất trong đề thi không phải ai cũng có thể giải được. Rõ ràng giữ mức cộng điểm như hiện nay, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường tốp đầu có điểm chuẩn cao. 

Cụ thể, nhìn vào danh sách 404 thí sinh đỗ vào ngành Y đa khoa, ĐH Y dược TP.HCM, chỉ có 26 thí sinh không được cộng điểm. Còn tại ĐH Y Hà Nội, số thí sinh khu vực 3 không được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích đỗ vào ngành Y đa khoa cũng chỉ khoảng 20 trường hợp trên tổng số 476 thí sinh trúng tuyển vào ngành này năm nay.

“Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bằng hình thức cộng điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ đã được Bộ GD-ĐT áp dụng từ nhiều năm nay. Việc này thể hiện chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng với các thí sinh sống ở những khu vực khác nhau, khi đất nước vẫn còn sự chênh lệch về điều kiện kinh tế,  mức sống, văn hóa giữa các khu vực. Tuy nhiên, việc cộng điểm này cũng lộ rõ sự bất cập. Vì có rất nhiều ưu tiên, nên có thí sinh thuộc nhiều nhóm, đối tượng ưu tiên khi cộng dồn lên đến 3-3,5 điểm. Trong khi các thí sinh khác phải cạnh tranh từng 0,25 điểm để giành cơ hội vào đại học. Theo tôi thì chỉ nên được một ưu tiên thôi” - PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định.

Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa cũng chia sẻ thêm, hiện nay Đại học Bách khoa và nhiều trường khác rất khó xử với chính sách cộng điểm ưu tiên và cử tuyển. Mỗi năm, Đại học Bách khoa nhận rất nhiều học sinh ở các trường dân tộc nội trú vào học, riêng năm nay là 40 học sinh.

“Tôi thực sự rất thông cảm với các em. Có những em năng lực vừa phải, vào học không theo được các bạn và khả năng bị thôi học rất cao. Có những em năm ngoái trượt đại học, rồi vào các trường dân tộc nội trú. Vậy là không phải thi nữa, cứ theo chính sách gửi vào các trường đại học thôi. Chúng tôi sẵn sàng nhận, nhưng sợ nhất là các em không theo được bởi nhà trường vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu ra chứ không thể vì là sinh viên đối tượng ưu tiên mà lại kém chất lượng hơn sinh viên khác khi tốt nghiệp” - PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Cần khảo sát cụ thể 

Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, quan niệm về bất công hay công bằng trong quy định về điểm ưu tiên khu vực và đối tượng trong xét tuyển đại học hiện nay cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. 

“Chỉ khi nào có trải nghiệm cuộc sống ở những vùng khó khăn thì chúng ta mới cảm nhận được sự cần thiết của chính sách này. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết. 

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên chỉ nên áp dụng khi đăng ký các ngành tại trường ở trên địa phương đó; hoặc các ngành tại trường địa phương không đào tạo thì phải cam kết trở về làm việc ít nhất 5 năm; như thế sẽ đảm bảo công bằng và đúng ý nghĩa mục tiêu của điểm ưu tiên (ưu tiên vùng khó khăn để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển địa phương).

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên tiến hành một khảo sát đầy đủ về thực tế triển khai chính sách này tại các trường đại học ở mọi góc độ để xem chính sách có thật sự công bằng như mong muốn. Cùng với thực tế đề thi như những năm gần đây, Bộ cũng cần xem xét về khoảng cách điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn hoặc thay điểm ưu tiên bằng các chế độ chính sách kèm theo trong quá trình đào tạo.