Học sinh sẽ hứng thú hơn nếu dạy thể dục, âm nhạc bằng tiếng Anh?

ANTD.VN - Học tiếng Anh trong trường học vẫn đang được bàn luận nhằm đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng. Hàng loạt đề xuất được đưa ra, trong đó, tập trung vào việc tăng tính ứng dụng, giảm tính hàn lâm và đẩy mạnh số hóa, tiết kiệm chi phí...

Rất nhiều ý kiến được đưa ra trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh trong trường học vừa được Bộ GD-ĐT tiếp thu, đặc biệt khi tiếng Anh đang được đề xuất là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam.

Trong đó, bà Bùi Hiền Thục, Giám đốc Công ty Giáo dục Việt Úc cho rằng, việc dạy ngoại ngữ cần gắn với các môn học nhằm tạo hứng thú và hiệu quả học tập cho học sinh. Bà Hiền Thục đề xuất mô hình dạy Tiếng Anh - Toán, Tiếng Anh - Thể dục - Âm nhạc hiệu quả hiện đang được áp dụng tại một số trường phổ thông.

Cần có nhiều hình thức dạy tiếng Anh trong trường học để đẩy mạnh tính ứng dụng thay vì chỉ nghiêng về học thuật

Hiện nay, việc dạy tiếng Anh như một môn học độc lập được cho là không đủ để thay đổi cách học, cách sử dụng ngoại ngữ áp dụng trong đời sống. Nhiều trường đã tăng cường các tiết Toán-tiếng Anh, Khoa học tự nhiên-tiếng Anh và hiện nay cả các môn thể dục, âm nhạc cũng được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đồng tình với việc dạy và học ngoại ngữ cần phải đổi mới theo hướng coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, chứ không phải học để đối phó, để lấy chứng chỉ, bằng cấp.

Bên cạnh việc đó, các chuyên gia cũng đề xuất phương pháp ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ. Bà Phạm Thị Ngọc Lan, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, trong cuộc cách mạng 4.0, cần thiết phải xây dựng hệ thống chương trình và học liệu dạy tiếng Anh trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho người học có cơ hội học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi và bằng mọi phương tiện.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc Egroup cho rằng, để tăng cơ hội sử dụng ngoại ngữ, cần xây dựng mạng xã hội, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, các chương trình dạy - học tiếng Anh trực tuyến, kết hợp ứng dụng công nghệ điện thoại thông minh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, để toàn dân đều có thể học ngoại ngữ”.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, các chương trình, học liệu học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh dễ tiếp cận, không phải đọc nhiều sách, phụ huynh không phải mua nhiều sách, gây lãng phí.

Chương trình này phải tương đối phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, CNTT mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi.