Học sinh kêu chán kiểu học đọc - chép

ANTĐ - 15 năm trước, giờ Văn học chỉ cần được thấy ảnh chân dung các nhà thơ lớn như Tố Hữu thì học sinh đã trầm trồ, hào hứng. Mấy năm gần đây, clip minh họa, phim ảnh đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong bài giảng. Vậy nhưng đến thời điểm này, tất cả những cách trên đều không hấp dẫn được học sinh nếu không có trải nghiệm thực tế…

Học sinh kêu chán kiểu học đọc - chép ảnh 1Học sinh trưởng thành hơn từ những chuyến đi trải nghiệm thực tế

Con chữ không còn hấp dẫn

Trên đây là chia sẻ của cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú,  quận Đống Đa. Theo cô Kim Anh, trong thời đại công nghệ, con chữ không còn khiến học sinh hứng thú. Trong các bài giảng hàng ngày, việc sử dụng tài liệu bổ trợ như hình ảnh, clip… cũng không còn mới mẻ, hấp dẫn với học sinh. Điều học sinh cần không phải là những lời giảng suông mà phải là sự trải nghiệm của bản thân để tự nhận thức được bài học.

“Lớp của tôi đã đến thăm gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cả thầy và trò được con rể nhà văn kể về ông. Không gì hay bằng nghe trực tiếp nhân vật sống nói về sự kiện, con người liên quan đến những tác phẩm văn học mà học sinh đang được học trên lớp. Các em cũng được đưa đến thăm mộ nhà thơ Xuân Diệu. Ông không có vợ, con. Nhiều học sinh đã rất xúc động trước ngôi mộ nhà thơ không người chăm sóc và từ đó suy nghĩ về tình cảm gia đình. Bài học với các em qua chuyến đi, không chỉ là cảm xúc về tác giả, tác phẩm mà còn tự mình rút ra được một bài học về lễ nghĩa, về gia đình mà không cần lời giảng...” - cô Kim Anh chia sẻ.

Phan Ngọc Linh Chi, lớp 12D2, THPT Phan Huy Chú chia sẻ, chuyến trải nghiệm cảm động nhất trong đời học sinh của em là chuyến đi theo dấu chân những người anh hùng.

“Chúng em được nghe câu chuyện huyền thoại về 10 cô gái  ở ngã ba Đồng Lộc. Chúng em đã thực sự thấm thía, trong lòng thầm cảm ơn các chị để thế hệ chúng em có được ngày hôm nay. Nghĩa trang Trường Sơn nơi yên nghỉ của hơn 10.000 chiến sĩ là nơi chúng em đã hát vang bài Quốc ca, cất lên từ tấm lòng mình bởi đó là lời tri ân tới các anh. Các bạn đều cảm thấy rất tiếc vì không thể thắp hương hết các ngôi mộ đó. Trong chuyến đi này còn có bà nội hơn 80 tuổi của bạn cùng trường cũng tham gia đi cùng đoàn. Nhìn hình ảnh của bà thắp hương cho các chiến sĩ, chúng em thực sự không cầm được nước mắt” - Linh Chi nhớ lại.

Bài học về lịch sử giữ nước của dân tộc hơn lúc nào hết khiến các bạn của Linh Chi cảm nhận được sự hào hùng cùng đau xót khi được đến thăm những địa danh Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương… “Đứng trước vạch ngăn cách hai miền đất nước trên cầu Hiền Lương, hơn lúc nào hết, chúng em biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh để giờ đây nước non liền một dải. Qua chuyến đi này, chúng em đã thực sự gây dựng lòng yêu nước, niềm kiêu hãnh làm người Việt Nam, thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Mỗi bạn đều tự thấy bản thân phải học giỏi, sống tốt để đáp ứng phần nào công ơn của những thế hệ đi trước” - Linh Chi chia sẻ.

Trải nghiệm để tự học

Việc đổi mới cách học trong nhà trường qua các chuyến đi trải nghiệm thực tế được các giáo viên nhận thấy sự thay đổi, thậm chí là trưởng thành từ học sinh của mình.

“Sau mỗi chuyến đi, đọc lại bài thu hoạch thể hiện sự trải nghiệm của các con, tôi đã khóc. Có nhiều bạn tâm sự nếu trước chuyến đi, có đôi khi các bạn còn hằn học với gia đình, với thầy cô vì sao không được thế này, thế kia... Giờ mới biết giá trị cuộc sống của bản thân đã quá đầy đủ. Có bạn lại thấy học Sử, thi Sử chính là cách để bạn trả ơn phần nào nghĩa tình đất nước. Với chuyến đi này, các giáo viên liên môn Văn, Sử, Địa thực sự thu hoạch được hiệu quả, không thể so sánh với cách dạy đơn môn, truyền thống thầy đọc-trò chép. Tôi cho rằng, chương trình giáo dục thực tế, trải nghiệm cần được mở rộng, phát huy...” - cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú nhấn mạnh.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, bên cạnh giảng dạy văn hóa được tổ chức truyền thống thì các nhà trường cần tổ chức trải nghiệm sáng tạo. Điều này không chỉ cần thiết cho  học sinh mà cả người lớn. “Thông qua hoạt động trải nghiệm các em có sự sáng tạo, nếu chỉ ngồi một chỗ, tư du một chiều thì không có phát minh. Chính sự trải nghiệm đó tạo sự say mê, sáng tạo cho học sinh. Từ đó, các em sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa, điều chỉnh cuộc sống bản thân một cách có ý nghĩa” - ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, học sinh được trải nghiệm chính là thể hiện xu hướng hội nhập giáo dục. Các nước khác đã triển khai cách thức này từ lâu để giúp học sinh hiểu biết, thể hiện năng lực cá nhân, hiểu được điểm yếu, hình thành nhân cách góp phần định hướng nghề nghiệp...

Tham khảo mô hình trải nghiệm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, đây chính là đổi mới giáo dục. Đây cũng là cách thức xây dựng xã hội học tập mở, nơi thầy cô, phụ huynh, những người có tâm huyết với giáo dục cùng tham gia, cùng tiến bộ với học sinh...