Học sinh đổ xô vào "lò luyện" kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6

ANTD.VN - Chỉ còn 3 tháng nữa, hàng nghìn học sinh lớp 5 Hà Nội sẽ bước vào kỳ tuyển sinh vào trường chất lượng cao. Nhiều phụ huynh chủ động cho con luyện thi cấp tốc dù nhiều trường chưa công bố có tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực thay vì chỉ xét học bạ như năm ngoái hay không.

Việc cho con em thi vào các trường chất lượng cao vẫn luôn là mục tiêu của không ít phụ huynh học sinh

Nóng ruột chờ thông tin tuyển sinh

Hiện tại, thông tin về phương thức tuyển sinh lớp 6 năm 2019 mới chỉ có một số ít trường công khai như trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh sẽ phải làm bài Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Thời gian làm bài mỗi môn 45 phút, hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Điểm tuyển sinh bằng tổng điểm 3 bài.

Trường THCS và THPT Lômônôxốp vừa mới thông báo tuyển sinh 300 học sinh chia ra mỗi lớp từ 30 tới 36 học sinh. Trường sẽ kiểm tra đánh giá năng lực học sinh với 3 bài gồm kiểm tra đánh giá năng lực Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mỗi bài kiểm tra kéo dài 45 phút, chấm theo thang điểm 20, làm tròn đến 2 chữ số sau dấu phẩy.

Chị Nguyễn Khánh Linh, phụ huynh trường Tiểu học Nam Thành Công băn khoăn, đến giờ chỉ còn chưa  đầy 3 tháng nữa là bắt đầu tuyển sinh năm học mới nhưng các trường như Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Cầu Giấy... vẫn chưa chính thức thông tin trường tuyển sinh theo phương án xét tuyển hay kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực.

“Việc tổ chức kiểm tra đánh giá đầu vào rất dễ phát sinh tình trạng ôn luyện tràn lan, vừa tốn kém, vừa gây áp lực cho học sinh, nhất là các em vừa mới hoàn thành tiểu học. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều năm nay việc thi tuyển đầu vào của các trường THCS bị dừng lại bởi dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội về học thêm, luyện thi tràn làn. Trường nào tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực thì cần công khai các dạng bài minh họa cho phụ huynh học sinh tham khảo”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội)

Được biết, năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các trường chất lượng cao, trường có đầu vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh và 7 trường THCS công lập tuyển sinh vào lớp 6 theo đề án thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge được phép triển khai phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực, căn cứ vào điểm tuyển sinh để tuyển sinh.

Điều này khiến cho cuộc chạy đua luyện thi của Hà Nội nóng trở lại vì theo các thầy cô luyện thi tại các trung tâm của Hà Nội, chỉ học trên lớp học sinh khó có thể giải được bài kiểm tra Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn theo những đề thi được sưu tầm các năm trước.

Cần sớm công khai thông tin

Chị Nguyễn Khánh Linh cho biết, nếu cứ tham khảo các đề kiểm tra những năm trước thì câu hỏi rất khó, ví dụ như Toán học sinh phải thông thạo kỹ năng tính toán để trả lời trắc nghiệm nhanh nhất, các bài toán có lời văn cũng đánh đố như dạng toán chuyển động, tỷ số phần trăm... Chính vì vậy, ngoài việc cho con học thêm tại trung tâm một tuần 3-4 buổi, chị Linh còn cho con tham gia các buổi thi thử, giải bài tập online...

Hiện phụ huynh cũng mách nhau nên chủ động cho con học thêm, có thể đăng ký các khóa học online nếu bố mẹ có điều kiện kèm con vì chi phí sẽ rẻ hơn, không tốn công đưa đón. Một trung tâm ôn thi trên phố Hoàng Ngọc Phách cho biết, giá “combo” 3 môn học online hiện chỉ có 600.000 đồng/học sinh thay vì học riêng lẻ từng môn với giá 499.000 đồng.

Trung tâm này cũng tổ chức thi thử đánh giá năng lực môn Toán để phụ huynh đánh giá năng lực của con. Theo thầy giáo ở trung tâm này, luyện đề là giai đoạn quan trọng để con hoàn thiện kiến thức, còn 3 tháng nữa là con sẽ thi, không có nhiều thời gian để luyện đề tràn lan, không có định hướng. Cách tốt nhất là luyện các đề đã thi vào các trường, sai câu nào so sánh đáp án bằng video ở câu hỏi đó.

Trước áp lực ôn thi của cả phụ huynh lẫn học sinh Tiểu học, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội thừa nhận việc thi vào các trường chất lượng cao vẫn luôn là mục tiêu của không ít phụ huynh học sinh. Đây là nhu cầu chính đáng để các em có điều kiện cọ xát, nâng cao năng lực học tập trong môi trường có tính cạnh tranh. Việc tổ chức đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 thay vì chỉ xét học bạ sẽ làm giảm tình trạng “làm đẹp” học bạ, gây khó cho những trường nhu cầu đầu vào cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu.

“Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra đánh giá đầu vào cũng rất dễ phát sinh tình trạng ôn luyện tràn lan, vừa tốn kém, vừa gây áp lực cho học sinh, nhất là các em vừa mới hoàn thành tiểu học. Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều năm nay việc thi tuyển đầu vào của các trường THCS bị dừng lại bởi dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội về học thêm, luyện thi tràn làn” - TS. Nguyễn Tùng Lâm đánh giá.

Nói về giải pháp với hình thức đánh giá năng lực, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng trường nào tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực thì cần công khai các dạng bài minh họa cho phụ huynh học sinh tham khảo. Nội dung đánh giá năng lực phải nằm đúng trong chương trình tiểu học, không đánh đố, không vượt quá năng lực kiến thức của học sinh tiểu học. Có như vậy mới tránh được tình trạng đổ xô đi học thêm, tạo áp lực lớn cho học sinh, gây bức xúc trong dư luận.