Học sinh đánh giá giáo viên: Đáng để thầy cô phải suy ngẫm

ANTĐ - “Thầy dạy giống như để học sinh trở thành giáo sư vậy… Em nghĩ bây giờ chỉ cần tập trung học làm sao để thi đỗ đại học thôi”; “Cô nên nhắc nhở nhẹ nhàng khi học sinh không làm được bài, đừng trừng mắt quát tháo”; “Cô thiên vị học sinh quá mức…”. Đây là một vài ví dụ trong số gần 7.000 ý kiến phản hồi của học sinh Hà Nội được cho là đáng để các thầy cô suy ngẫm và điều chỉnh.

Ý kiến của học sinh đem lại thông tin hữu ích để hoàn thiện việc giảng dạy

Kênh chính thống cho học sinh đánh giá giáo viên

“Trong thời đại Internet hiện nay, thông tin về mọi lĩnh vực của cuộc sống được cập nhật thường xuyên và lưu chuyển rộng rãi, nhanh chóng. Những thông tin nhận xét, đánh giá về các thầy cô giáo và nhà trường cũng không nằm ngoài trào lưu này. Tuy nhiên, do tính chất tự phát nên những đánh giá của học sinh trên Internet về thầy cô thường tản mạn, đôi khi lệch  lạc, thậm chí cực đoan” - thầy Phùng Hồng Cổn, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng lý giải về việc cần thiết phải thiết lập hệ thống thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy cô một cách chính thống, khoa học.

Tâm huyết với đề tài nghiên cứu này, thầy Phùng Hồng Cổn đã phối hợp khảo sát học sinh tại nhiều trường như Phan Huy Chú, Nguyễn Thị Minh Khai, Chu Văn An, Phan Đình Phùng từ năm 2008 đến nay. “Tuy nhiên, cái khó là làm sao lập ra được hệ thống câu hỏi và phương án trả lời hữu dụng, thực tế để có thể lấy được những thông tin cần thiết về hoạt động toàn diện của giáo viên từ các em học sinh”. Kết quả sau nhiều công phu nghiên cứu, chọn lựa, hệ thống 20 câu hỏi đã ra đời, tập trung vào 3 vấn đề kiến thức, phương pháp giảng dạy, nề nếp-ứng xử của giáo viên. “Có không ít những câu hỏi được cho là “nhạy cảm” mà chúng tôi đưa vào như thầy cô có hay trù úm học sinh không? Thầy cô có lấy giờ học để làm việc khác không?       Trang phục và tác phong của thầy cô khi lên lớp?...”, thầy Phùng Hồng Cổn cho biết.

Kết quả khảo sát từ gần 7.000 ý kiến học sinh các trường về thầy cô cho thấy ý kiến của học sinh rất phong phú, đa dạng, cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Đặc biệt, theo thầy Phùng Hồng Cổn, có những ý kiến khá sâu sắc, đáng để các thầy cô suy ngẫm và điều chỉnh. Có những học sinh không ngại ngần bày tỏ sự yêu mến của mình với thầy giáo khi đánh giá thầy là giáo viên mẫu mực, tâm lý và gần gũi. Có những góp ý rất chân thành như “cô là giáo viên vô cùng sôi nổi, đáng yêu, hài hước. Tuy nhiên bài kiểm tra cô cho điểm gần như nhau dẫn đến học sinh không biết rõ thực lực của mình”…

Thầy ra thầy, trò ra trò, mong lắm thay! Ảnh: TẤN THẠNH

Tận dụng hiệu quả hơn 2.000 “đôi mắt” 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thay vì chỉ đánh giá giáo viên qua thâm niên công tác, các buổi dự giờ thì Hiệu trưởng cần lắng nghe những cảm nhận từ học sinh. “Kênh thông tin này sẽ giúp Hiệu trưởng hiểu giáo viên của mình đã dạy học trò tốt hay không. Đồng thời cũng khiến giáo viên phải soi lại mình trong mắt học trò để tự hoàn thiện mình” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích. 

Rất ủng hộ việc lấy ý kiến phản hồi từ học sinh, ông Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Thay vì chỉ có 2 mắt để bao quát đội ngũ giáo viên của mình, tôi có thể sử dụng hơn 2.000 đôi mắt của học sinh để nắm bắt mọi diễn biến trong trường. Đấy là tác dụng trông thấy rõ của việc lấy ý kiến phản hồi của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng”. Cũng theo ông Kiều Trung Tiến, nếu chỉ dựa vào các ý kiến bình xét của đồng nghiệp vốn vẫn được tiến hành hàng năm theo tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên cũng như cán bộ quản lý thì chưa đầy đủ. “Đa phần đồng nghiệp thường khen nhau chứ mấy ai góp ý thẳng thừng khuyết điểm của nhau” – ông Kiều Trung Tiến thẳng thắn nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, việc xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy cô là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những minh chứng quan trọng để đánh giá chuẩn giáo viên. Bởi như nhận xét của thầy giáo Phùng Hồng Cổn, qua 2 lần lấy ý kiến của học sinh trong một năm học thì có những bằng chứng cho thấy ngay cả giáo viên dạy giỏi nhưng nếu chủ quan thì đánh mất thương hiệu của mình lúc nào không biết.