Học sinh chóng mặt, mệt xỉu sau tiêm chủng do tâm lý lo sợ

ANTĐ - Sau khi tiêm vaccine sởi - rubella tại trường học, 10 học sinh THCS trên địa bàn huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, mệt xỉu. Trước đó, một số địa phương như Gia Lai, TP. HCM cũng đã xảy ra hiện tượng hàng loạt học sinh ngất xỉu với lý do tương tự.

Học sinh chóng mặt, mệt xỉu sau tiêm chủng do tâm lý lo sợ  ảnh 1Tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi tiêm chủng để tránh phản ứng lo lắng

Ngày 18-1, thông tin về vụ việc 10 học sinh THCS tại Bình Phước, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, đây chỉ là hội chứng lo lắng tâm lý dây chuyền do lo sợ tiêm chủng chứ không phải do vaccine. Thực tế, tất cả 10 học sinh đều xuất hiện triệu chứng trên sau tiêm 10 đến 15 phút, có tính lan truyền từ em này sang em khác. Ngay lập tức, các em đã được đưa đến Bệnh viện Công ty Cao su huyện Lộc Ninh để chăm sóc và xử lý y tế, hiện sức khỏe đều ổn định.

Giải thích về hiện tượng phản ứng dây chuyền nói trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tâm lý lo lắng ở một nhóm người được tiêm vaccine dẫn tới những triệu chứng tương tự nhau. Thực tế, một số biểu hiện như khó thở, mệt, buồn nôn, lo sợ tiêm chủng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dễ xảy ra đối với lứa tuổi dậy thì - lứa tuổi dễ có sự thay đổi trạng thái tâm lý - khi tham gia tiêm chủng. Các triệu chứng này xuất hiện cấp tính, lan truyền nhanh chóng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những điểm tiêm đông người, nhất là các điểm tiêm ở trường học và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Độ tuổi học sinh THCS dễ mắc nhất.  

Tại Hà Nội, theo kế hoạch, từ hôm nay (19-1) đến 30-1, sẽ tiến hành tiêm chủng đồng loạt cho 258.788 trẻ từ 11 - 14 tuổi tại 615 trường THCS trên địa bàn. Để chủ động xử lý hiện tượng phản ứng dây chuyền có thể xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã mời các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tập huấn cho các đơn vị tiêm chủng. "Việc xử lý kịp thời khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sợ hãi sau tiêm là vô cùng quan trọng. Khi đó, cán bộ y tế phải cách ly ngay, tránh để hiện tượng này lây lan sang những em khác, ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng" - bác sĩ Ngô Khánh Hoàng – Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhấn mạnh.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng khuyến cáo, để phòng tránh hiện tượng choáng, mệt xỉu đồng loạt xảy ra, các điểm tiêm nên thăm khám trước khi tiêm và tiêm cho những học sinh có tâm lý tốt, ít sợ tiêm trước. Trẻ cần được ăn no trước khi tiêm chủng 30 phút để tránh hạ đường huyết. Ngoài ra, cần tạo môi trường thân thiện để làm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng cho trẻ khi tiêm. Đặc biệt, các điểm tiêm chủng nên bố trí phòng chờ, tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm cho những trẻ trước đó, dễ gây ra các biểu hiện tâm lý dẫn tới phản ứng dây chuyền nói trên.