Học nghề ở tuổi 15 để sớm có việc làm ổn định

ANTD.VN - Những năm gần đây, kết quả tuyển sinh trung cấp có xu hướng gia tăng. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ học sinh Việt Nam học nghề vẫn thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp.

Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS giúp người lao động sớm ổn định cuộc sống

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 học sinh, trong đó học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn học nghề luôn, thay vì học THPT có xu hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia về lao động việc làm tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản… theo học nghề sớm là lựa chọn được nhiều ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Tại Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để trở thành kỹ sư thực hành rất thành công. Học sinh học ra trường có việc làm với thu nhập cao.

Trong khi đó, do quan niệm trọng bằng cấp, Việt Nam đang lãng phí nguồn nhân lực rất lớn khi có hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Nếu lực lượng được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.

Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Mô hình 9+ đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo đó, học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3 - 5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng cao đẳng, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.

Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học.

Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn người học như: miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội, học theo chế độ cử tuyển, người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài.