"Học ngành gì chỉ làm nghề đấy" là quan niệm chưa đầy đủ!

ANTD.VN - Tọa đàm “Hướng nghiệp và việc làm trong xu thế toàn cầu hóa” do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU - CSS) tổ chức vừa diễn ra ngày 25-10-2017, tại ký túc xá Mễ Trì (Thanh Xuân, Hà Nội). Phóng viên đã hỏi chuyện các diễn giả: Ông Hoàng Trọng Nghĩa - Giám đốc VNU – CSS và ông Đàm Quốc Hiệp - Phó tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Danko, chuyên về kinh doanh và đầu tư, phân phối bất động sản.

"Học ngành gì chỉ làm nghề đấy" là quan niệm chưa đầy đủ! ảnh 1

Tọa đàm “Hướng nghiệp và việc làm trong xu thế toàn cầu hóa” được tổ chức ở KTX Mễ Trì

PV: Đại học Quốc gia là đơn vị có rất nhiều chuyên ngành đào tạo, song những cơ hội thực tập, cơ hội việc làm lại thường thuộc về ngành nghề kinh doanh, thương mại, vậy thì với những sinh viên chuyên ngành khác mà thuần về nghiên cứu học thuật, phải làm sao, thưa ông?

Ông Hoàng Trọng Nghĩa: Thực ra, quan niệm học cái gì thì làm cái đấy, ví dụ như học ngành khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn thì làm công tác nghiên cứu, làm ở các viện, các cơ quan nhà nước, là chưa hẳn đúng, và tọa đàm hôm nay cũng là một cơ hội để thông tin thêm cho sinh viên để sinh viên hiểu, cũng là dịp mở rộng những cơ hội nghề nghiệp, chứ không phải chỉ có làm nhà nước hoặc nghiên cứu như quan niệm thông thường. Chẳng hạn, nếu mà chỉ nghĩ học sư phạm rồi đi dạy, thì đó là tự làm cho cơ hội nghề nghiệp của mình bó hẹp lại. Bởi với nền tảng là những kiến thức trong đại học, nếu là sinh viên giỏi, thì có thể làm được rất nhiều việc khác, mà vẫn hiệu quả.

Ông Đàm Quốc Hiệp: Ngoài việc học một chuyên ngành nào đó ở giảng đường đại học, thì bất kể ai cũng đều cần được trang bị bổ sung những kiến thức xã hội cùng với nền tảng một thế giới quan đúng đắn. Khi mà có được những nền tảng đấy, chúng ta có thể làm tốt trong rất nhiều ngành nghề. Tập đoàn Danko chúng tôi chuyên về kinh doanh, đầu tư vào khối bất động sản, và có rất nhiều vị trí phù hợp với sinh viên trường nhân văn ví dụ là về marketing, truyền thông, hành chính, văn thư lưu trữ, quản lý nhân sự… là những lĩnh vực gần với chuyên ngành đào tạo của sinh viên trường nhân văn.

Nhưng trong thực tế quản lý, tôi thấy có những người thậm chí chỉ tốt nghiệp cấp phổ thông, nhưng họ làm tư vấn và bán hàng rất tốt. Ngược lại, có những người từng học về chuyên ngành bất động sản của các trường chuyên ngành, nhưng họ bán hiệu quả không bằng.

Điều đó có ý nghĩa là các bạn sinh viên phải luôn luôn ý thức được rằng, việc mình học ngành nghề nào trong trường, thì không nhất thiết khi ra đời phải làm đúng ngành nghề ấy. Có nhiều bạn đã rơi vào tình trạng tự nhiên như là tự kỷ, cảm thấy bất mãn khi không xin được đúng ngành nghề của mình, rồi quay ra phê phán nền giáo dục, đào tạo và những nơi chưa tiếp nhận được các bạn ấy vào làm việc.

Đông đảo sinh viên tham dự và quan tâm tới chủ đề tọa đàm

-Như vậy, chuyên ngành mà sinh viên học ở đại học chỉ là một phần, phần nữa là kỹ năng?

Ông Hoàng Trọng Nghĩa: Việc đào tạo ở đại học tạo ra một kiến thức nền tảng, là quan trọng, nhưng cuộc sống sau này còn đòi hỏi ở mỗi người rất nhiều kỹ năng khác. Nên việc tự tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội việc làm để học hỏi và rèn luyện những kỹ năng là rất quan trọng.

Ông Đàm Quốc Hiệp: Vâng, có rất nhiều vị trí công việc đòi hỏi về kỹ năng. Về mảng kinh doanh bất động sản của tập đoàn chúng tôi chẳng hạn. Một căn nhà, một căn hộ, một căn biệt thự, một căn liền kề, đó đều là tài sản lớn, vậy nên khi khách hàng đương nhiên cần nghe xem nhân viên kinh doanh thuyết phục như thế nào đó, để họ có thể tin tưởng bỏ tiền ra mua. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên đào tạo những kỹ năng mềm cho chuyên viên tư vấn khiến các bạn đấy chiếm được lòng tin của khách hàng để bán được hàng. Điều đó không phụ thuộc quá nhiều vào trình độ bạn phải là đại học chính quy hay thạc sĩ, mà vấn đề là bạn luôn luôn bồi bổ kiến thức cho mình thông qua các bạn xung quanh, những người đi trước, thông qua những kiến thức mà trên mạng, thông qua những khóa học.