Học một đằng, làm một nẻo

ANTĐ - “Những bài học khó mới kích thích sự sáng tạo của sinh viên, có thể không có giá trị thực tế cao nhưng để hoàn thiện tư duy là rất quan trọng”, chị Nguyễn Phương Anh (22 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội) đồng tình với quan điểm của GS Ngô Bảo Châu về phương pháp học tập.

- Theo chị, việc học đầu tiên nên bắt đầu từ đâu?

- Từ ngay trong gia đình mình. Kế thừa tri thức của ông bà, bố mẹ là quan trọng trong việc hình thành nhân cách.

- Hiện nay, chương trình học bậc phổ thông có quá nặng?

- Tôi thấy chương trình ruờm rà, thiếu thực tế, thiếu cập nhật, nhiều kiến thức đã lạc hậu. Đáng lo hơn là chưa phát huy được sở trường của học sinh để hướng vào nghề nghiệp phù hợp. Thế nên năm nào cũng đổ xô thi Ngân hàng, Ngoại thương… rồi vất vả xin việc mà không được. 

- Học đại học, cách học nào có hiệu quả nhất?

- Tự học, đọc thật nhiều sách. Tôi thấy sinh viên nước ta kỹ năng làm việc nhóm còn yếu. Kiến thức xã hội cũng kém. Sinh viên cần chủ động hơn trong việc học tập, nên thường xuyên chọn cho mình những thử thách để liên tục phát triển. Với tôi, lần nào giải được một bài toán khó cũng rất vui. Việc dạy học phải gắn bó chặt chẽ với nhu cầu của xã hội. Hệ thống giáo dục phải không ngừng tìm hiểu: Sinh viên có nhu cầu học cái gì? học như thế nào? để đạt được những kỹ năng, kiến thức một cách hiệu quả nhất. Thế mới hết cảnh học một đằng, làm một nẻo.