Nghệ sỹ Văn Dỵ

Học guitar, trọng ý thức và thái độ

ANTĐ - Nghệ sỹ guitar Văn Dỵ là người rất nghiêm túc về giờ giấc. Hẹn gặp ông phải tuyệt đối đúng giờ, vì sẽ ảnh hưởng đến thời gian đã được “lập trình” của ông. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn, đã thấy ông ngồi chờ sẵn. Ông nói rất ghét người sai hẹn, chỉ cần lỡ một lần là ông sẽ không bao giờ nhận lời nữa…

Nghệ sỹ Văn Dỵ trình diễn tuyệt kỹ chơi đàn sau lưng 

Tiếng đàn ma lực 

Dù là “sư phụ” của không ít những tay guitar có tiếng của Việt Nam như nhạc sỹ Lê Minh Sơn, Duy Hùng, Thu Hà, Lương Xuân Thịnh, Nguyễn Văn Phúc… nhưng một ngày, nghệ sỹ Văn Dỵ đều dành ra ít nhất 3-4 tiếng đồng hồ để luyện đàn. Ông thẳng thắn, kể cả tốt nghiệp chuyên ngành guitar mà không dành thời gian để tập luyện thì cũng chỉ 2 năm sau là bỏ nghề. Nghệ sỹ Văn Dỵ có một nguyên tắc nhất quán, đã theo học thì phải thực sự đam mê. Ông nói nửa đùa nửa thật, “năng khiếu chỉ cần vừa phải thôi, quan trọng là ý thức và thái độ”. Biết tiếng Văn Dỵ là một trong những nghệ sỹ guitar hàng đầu Việt Nam, học trò khắp nơi kéo đến theo học. Học viên của thầy Văn Dỵ có đủ lứa tuổi, từ các em mới bắt đầu đi học lớp 1 cho đến những người ngót nghét tứ tuần. Ông hết lòng ân cần chỉ dạy, uốn nắn từng ngón đàn nên dù có bị mắng, học viên của ông vẫn miệt mài tập luyện, nhiều em còn nán lại tập thêm. Với Văn Dỵ, điều đầu tiên ông yêu cầu học trò phải sắm cho được cây đàn tốt. Hồi xưa, dây đàn làm bằng sắt chứ không phải nilon như bây giờ nên nhiều lúc tập hăng quá đến nỗi bật máu tay. Còn bây giờ, ông có thể chơi đàn 10 tiếng không nghỉ - “Người có kinh nghiệm sẽ biết dùng lực đúng cách mà không bị chai tay”.

 Văn Dỵ kể, hồi vào bộ đội, ông hay xin đi… canh chuồng lợn cho xa doanh trại để có thời gian tập đàn, khỏi ảnh hưởng giấc ngủ của đồng đội. Biết ông có tài, đơn vị nhiều lần cử đi thi hội diễn văn nghệ và lần nào đi là mang về Huy chương vàng lần đấy. Hết nghĩa vụ quân sự, Văn Dỵ̣ vẫn chưa được ra quân chỉ vì cán bộ, chiến sĩ say mê tiếng đàn của ông nên năm lần bảy lượt giữ lại. Tiếng đàn Văn Dỵ rất lạ, khi khoan thai, khi dồn dập. Nếu ai được thưởng thức những ca khúc Tây Nguyên, chỉ bằng những thao tác điêu luyện lướt trên phím đàn, ông đã thể hiện được đúng chất tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Klông pút, tiếng chim hót, tiếng suối róc rách…

Với ca khúc bất hủ “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, ông còn mô phỏng được ba tiếng chuông đồng hồ ở bưu điện Bờ Hồ không trộn lẫn vào đâu, khiến người nghe hoài niệm một không gian cổ kính, yên tĩnh của Hà Nội xưa… Đã cầm đàn, là say sưa, là cháy hết mình. Ở mọi lúc, mọi nơi, tiếng đàn Văn Dỵ̣ bao giờ cũng quyến rũ lòng người. Ông bảo rằng, mình không bao giờ cô đơn, ít khi buồn vì hễ ngồi đâu ai phát hiện ra ông là đề nghị chơi đàn và một lúc sau ông trong vòng vây, tiếng cười của mọi người. Văn Dỵ là người rất “quần chúng”. Dù không quen biết, chỉ cần yêu cầu là  ông sẵn sàng vừa đàn vừa hát cho nghe. Không phải ngẫ̃u nhiên, ông đặt tên cho cậu con trai là Nguyễn Đức Bình. Ông lý giải: “Điều giản dị nhất là vĩ đại nhất” nên kết hợp giữa tên con và tên ông thành “Bình - Dị”. Chính vì lẽ đó, ông ao ước đến cháy lòng để được mở lại một CLB guitar Hà Nội như cách đây hơn 10 năm để tập hợp những người yêu thích nhạc cụ này đến chơi, hoặc thưởng thức mà không mất tiền. Ông chạnh lòng, giá thuê đắt, tìm được một địa điểm để thu hút mọi người đến không dễ chút nào… 

Tay guitar tấu hài cự phách

Một ngày của nghệ sỹ Văn Dỵ không thể thiếu âm nhạc và sách báo. Gặp ông lúc nào cũng thấy một chục tờ báo được xếp ngay ngắn trên bàn. Cứ mỗi lần đọc được một bài báo hay, một bài báo tâm đắc ông lại cắt ra để dán vào một quyển sổ. Những mẩu báo ông sưu tầm trong ngót nghét hơn 10 năm được phân ra thành nhiều chủ đề, nay đã lấp kín mấy cuốn sổ dày. Cần mẫn với việc sưu tập những mẩu báo, ông nói đó là một hình thức để truyền dạy cho con và thế hệ học trò của mình. Cũng nhờ đọc nhiều, Văn Dỵ̣ có khả năng ứng khẩu hoạt bát và năng khiếu kể chuyện hài cừ khôi. Tiếp chuyện với bất cứ ai, ở lĩnh vực nào từ y tế, giáo dục, báo chí…, Văn Dỵ cũng có chuyện vui để ứng đối. Ông có một kho tàng chuyện cười phong phú với nhiều thể loại, nội dung sâu cay, châm biếm. Thậm chí, nhiều câu chuyện của ông kể đến lần thứ ba, thứ tư mà không thấy nhạt. Văn Dỵ̣ đã từng tham gia chương trình “Gặp nhau cười” trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Chỉ một lần ngồi cùng Văn Dỵ ai ai cũng ngưỡng mộ khiếu hài hước của ông, vì gặp ông là được cười… no.  

Văn Dỵ diễn như không diễn, nhiều người tưởng ông sẽ sang ngang gia nhập làng hài kịch, nhưng ông chỉ nói “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Ông hài hước thêm: “Chưa thấy ai nói nếu chết hãy chôn tôi cùng cây đàn piano, hoặc đàn bầu, đàn violon…”. Sau khi nghỉ công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, ngày nào cùng vậy, sau giảng dạy, luyện tập guitar, ông lại tới quán quen trên phố Hào Nam để thư giãn sau một ngày căng thẳng. Có nhiều người tò mò hỏi ông, sao ông có nhiều chuyện hài hước, tiếu lâm thế? Ông bảo, tôi luôn có phương châm sống vui, sống khỏe nên hay sưu tầm sách báo có truyện cười là nhập tâm nhớ luôn để khi nào có cơ hội kể cho bạn bè nghe. Điều quan trọng, phải biết giữ gìn sức khỏe, không sống vô độ để khỏi làm phiền người khác...