Học giả quốc tế nói gì về "Giấc mơ Trung Hoa"?

ANTD.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được mệnh danh là “Nhà chiến lược đằng sau các cải cách của Trung Quốc”, “Kiến trúc sư hiện đại hóa cho kỷ nguyên mới”… Nhưng con đường thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” theo “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong mắt các học giả quốc tế đang gặp những trở ngại nào?

Ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện chính sách Stimson ở Washington cho rằng, trong khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình có quan điểm “giấu mình chờ thời” thì ông Tập Cận Bình đã gạt bỏ quan niệm “khiêm tốn” đó bởi ông tin rằng “thời đại của Trung Quốc đã tới”.

“Ông Tập rõ ràng tự tin hơn và sẵn sàng hơn để thể hiện sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không có khả năng sớm thay thế Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới, nhưng các chính sách của họ sẽ thách thức trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo”, ông Ziqun Zhu, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania nhận định.

Tuy nhiên, người vẽ ra “Giấc mơ Trung Hoa” cũng đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc thực hiện các cam kết của mình để đạt được mục tiêu “Hai 100”. Đó là mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “xã hội tương đối tốt” vào năm 2020, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản và mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển hoàn chỉnh vào khoảng năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo chuyên gia Yun Sun, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã góp phần tạo nên làn sóng chống lại ông Tập và chính quyền Bắc Kinh.

Các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc khao khát bá chủ khu vực và có lẽ là toàn cầu, đang tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, trong quá trình theo đuổi quyền lực và sự kiểm soát lớn hơn, Chủ tịch Trung Quốc dường như vô tình đặt mình vào một con đường đầy nguy hiểm trong lúc này.

Trong bài phát biểu ngày 3-9 tại Trường Đảng Trung ương, ông Tập Cận Bình đã nói về những thách thức to lớn đối với đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi các quan chức, đặc biệt là những người trẻ tuổi hơn, giữ vững tinh thần chiến đấu và tăng cường khả năng đấu tranh, phấn đấu để đạt được 2 mục tiêu trăm năm nói trên.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu đó, ông Tập đã bất ngờ sử dụng từ “đấu tranh”, thay vì “thử thách” hay “vượt chướng ngại vật” tới 56 lần. Theo David Bandurski - đồng tác giả bài phân tích thuộc The China Media Project, một chương trình nghiên cứu độc lập hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông của Đại học Hồng Kông, điều đó chỉ ra một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt đang diễn ra. Chủ tịch Trung Quốc phải lựa chọn cụm từ đó nhằm gửi đi thông điệp đến những người đang muốn chống lại ông hoặc cố gắng chống lại mục tiêu mà ông đặt ra.