Học cách thoát nạn khi cháy nhà

ANTĐ - Liên tiếp các vụ cháy xảy ra tại các chung cư cao tầng, thậm chí cả các cao ốc cao cấp bậc nhất đã khiến những người sống trong các chung cư thấp thỏm lo âu cho sự an nguy của gia đình mình. 

Trong khi hệ thống trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các tòa nhà vẫn chỉ là hình thức thì không còn cách nào khác là  “tự cứu lấy mình”. Tuy nhiên, từ các vụ thảm họa cháy đã xảy ra đều cho thấy kỹ năng “tự cứu” của người dân còn rất thấp. Bởi thực tế, không phải bất cứ ai cũng thành thạo các thao tác để thoát thân trong hỏa hoạn. Điều đó đặt ra một vấn đề là: Phải dạy cho người dân biết cách “tự cứu mình” để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.

Ám ảnh “nhà cao tầng”

Chỉ mới tính từ đầu năm 2012 đến nay, Hà Nội đã có hàng loạt vụ hỏa hoạn xảy ra khiến người dân sống ở chung cư cao tầng “thót tim”. Mới đây nhất là vụ cháy ở tòa nhà 34T khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính ngày 25-3, mà nguyên nhân được nghi ngờ do chập điện. Trước đó, rạng sáng 3-2 là vụ cháy ở tòa nhà 21 tầng M3-M4 Nguyễn Chí Thanh do chập điện ở phòng kỹ thuật điện khiến hàng trăm người dân sinh sống tại đây náo loạn. Cuối năm ngoái, một công trình hiện đại bậc nhất là tòa nhà công trình xây dựng tháp Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực Việt Nam 33 tầng (11 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ngay đến Keang nam - khu căn hộ hiện đại nhất Việt Nam khi mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu cũng đã từng xảy ra hỏa hoạn. Điều đáng nói có rất nhiều tòa nhà được trang bị đầy đủ thiết bị báo động cháy nhưng khi xảy cháy, chuông báo động đều không hoạt động. Thậm chí tòa nhà EVN được xem là hiện đại nhất Việt Nam đến nay vẫn chưa có hệ thống báo động và phòng chống cháy.

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 400 tòa nhà cao trên 10 tầng, được sử dụng làm chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng, nhiều hệ thống chữa cháy của tòa nhà không được bảo trì, nhiều hệ thống bị hỏng, không hoạt động được. Chẳng hạn, tại hầu hết các chung cư cao tầng đều được trang bị bình bọt cứu hỏa tuy nhiên chẳng mấy khi các thiết bị  này  được kiểm tra, bảo dưỡng và nạp bọt thường xuyên. Chuông báo cháy của nhiều tòa nhà trong tình trạng không hoạt động nhưng không được sửa chữa, thay mới. Nhiều tòa nhà không có hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm thường xuyên bị khóa. Đặc biệt, tại các chung cư cao tầng hệ thống máy tăng áp ở cầu thang không hề có, nên khi xảy ra hỏa hoạn người dân khó có thể thoát thân trong điều kiện hành lang và cầu thang bị ngạt khói và lửa cháy lớn. Hệ thống điện phụ (phục vụ chiếu sáng cửa thoát hiểm, cầu thăng bộ) của tòa nhà không hoạt động khi nguồn điện chính bị cắt, chính điều này khiến người dân bị kẹt lại, không thể nhìn thấy đường để chạy đến cửa thoát hiểm khi khói lan tỏa.

Một điều nữa là khi các phương tiện PCCC tới thì cũng rất khó tiếp cận các tòa nhà cao tầng do lối vào quá chật hẹp, nhiều hộ dân thiếu ý thức xây dựng lan can lấn chiếm khoảng không khiến xe cứu hỏa không thể vào trong. Trong vụ cáy chung cư 34T Trung Hòa - Nhân Chính thì khi xe thang cứu hỏa được đưa đến hiện trường lại không thể tiếp cận sát chân tòa nhà vì nền đất không chịu được tải trọng gần 50 tấn của xe thang. Với các tòa nhà siêu cao tầng thì xe thang cũng “bó tay” nếu xảy cháy ở tầng cao, vì độ cao xe thang mới chỉ dừng lại ở con số 52m, tương đương với tầng 17.

Tất cả những lý do “không ổn” ở trên xuất phát từ ý thức PCCC của chủ đầu tư và người dân không tốt, và trở thành nỗi ám ảnh của những hộ dân đang sống ở nhà cao tầng.

Khi xảy cháy, chỉ biết đạp lên nhau để thoát thân

Bình tĩnh, sáng suốt để tự cứu lấy mình, đó là lời khuyên của hầu hết các chuyên gia đối với người dân nếu chẳng may xảy ra sự cố cháy ở nơi mình ở. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp cháy nhà cao tầng đều xảy ra cảnh hỗn loạn, mạnh ai người nấy chạy, mạnh ai người nấy chen, thậm chí dẫm đạp lên nhay để thoát thân. 

Thiếu kỹ năng ứng phó với các thảm họa là thực trạng đáng báo động, mà thực tế đã có không ít hậu quả đau lòng xảy đến. Chẳng hạn tại vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư JSC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) năm 2010 dẫn đến cái chết thương tâm của hai mẹ con do ngạt khói trong lúc đứng chờ thang máy. Có lẽ hậu quả sẽ không xảy ra nếu họ biết một kỹ năng hết sức đơn giản là  lấy khăn ướt úp lên mũi để thở. Trong một vụ cháy xảy ra đã khá lâu, người ta cũng đã phát hiện một nhân viên làm việc tại chung cư này chết trong tư thế… ngồi trong tủ sắt.

Tại một buổi tập huấn kỹ năng thoát hiểm ở một trường học, chuyên gia đã đưa ra một tình huống giả định thoát hiểm ở đám cháy. Khi tiếng còi báo động vang lên, cảnh tượng trở nên náo loạn thật sự, các em chỉ biết duy nhất có một cách là bỏ chạy thục mạng kể cả lao đầu vị trí đã để một tấm bảng to là “Nguy hiểm”. Trong khi đó, ở một hướng khác, có bảng ghi “lối thoát hiểm” thì không ai chạy thoát thân hướng đó. Theo phản xạ, hầu hết các em đều chen lấn chạy ra cửa chính, nơi có điện sáng mà trước đó đã quy ước là nơi có đám cháy to. Sau buổi tập, các em thừa nhận là lúc đó rất hoảng loạn, sợ chết, muốn thoát ra trước chứ không muốn là người ở lại sau. Và đó cũng là một thực tế tại các khu dân cư khi xảy ra hỏa hoạn.

Có thể thấy, tâm lý bình tĩnh ứng phó với rủi ro là rất cần thiết nhưng thực tế thì kỹ năng ấy của đa số người Việt Nam rất kém. Và chính sự hoảng loạn, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả rủi ro có thể nặng nề hơn. Chính vì vậy, theo các chuyên gia về PCCC thì trước việc phương tiện cứu nạn, cứu hộ, PCCC bị hạn chế cũng như vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ tại các chung cư cao tầng còn kém, thì việc tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC, tâm lý đối phó tình huống cho người dân trong môi trường tập thể là việc làm rất cần thiết.

Đi học phòng cháy chữa cháy

Tại một số nước, việc đào tạo kỹ năng đối mặt với nguy hiểm, rèn luyện khả năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng vượt qua những sự cố bất ngờ trước thảm họa đã được đưa vào giáo dục ở từng cấp học và những khu vực tập thể như trường học, công sở cao ốc, chung cư cao tầng… Tuy nhiên, ở nước ta, công tác này còn khá hạn chế. Về vấn đề PCCC, tại các địa phương, Sở PCCC cũng có phối hợp với các trường học, doanh nghiệp, đoàn thể… để tập huấn PCCC, nhưng rất hãn hữu. Nội dung tập huấn đa phần là lý thuyết, còn sơ sài. Tại một số ít trung tâm dạy kỹ năng sống, hầu như còn rất thiếu vắng kỹ năng thoát hiểm liên quan đến thảm họa như hỏa hoạn, động đất hay lật xe xuống nước…

Mới đây, một khóa học mang tên “Phòng vệ thông minh” do một doanh nghiệp phối hợp với ĐH Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng đã được tổ chức và thu hút khá nhiều người tham gia, cho thấy người dân cũng rất khao khát việc trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm. Đây có thể nói là khóa học đầu tiên mà người dân được trực tiếp tham gia vào tình huống giả định gần giống thật. Tình huống giả định là tầng 4 và 5 của tòa nhà bị cháy, người lớn và trẻ em buộc phải thoát hiểm bằng xe thang và đu dây cáp để xuống đất. Dù chỉ là giả định nhưng đây thực sự là một trải nghiệm tâm lý đầy khó khăn, và nó cho người học thấy được tầm quan trọng của việc PCCC. 

Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, thì thông qua các lớp học như thế này góp phần rất lớn trong việc nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng cháy. Có thể nói rằng ý thức phòng cháy của người dân Việt Nam rất kém. Qua việc trải nghiệm, diễn tập tại những bối cảnh giống như thật, cũng sẽ giúp người dân hiểu biết hơn về những nguyên nhân gây cháy hoặc nhận thức rõ hơn về ý thức phòng cháy.

Dù nhận được sự hưởng ứng của nhiều người nhưng những khóa học như thế này còn rất ít và số đối tượng tiếp cận được chưa nhiều, thậm chí một số nhiều tình huống giả định còn chưa sát thực tế. PGS.TS Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Hiệu trưởng trường ĐH phòng cháy chữa cháy cho biết để đáp ứng thực tế thì trường sẽ hướng tới phát triển những khóa học dài hơn với các kỹ năng cao hơn, hướng dẫn các học viên nhiều kỹ năng tự cứu mình trong nhiều tình huống nguy hiểm hơn. 

Việc hổng cơ bản kỹ năng PCCC của người dân và tình trạng manh mún các lớp học một lần nữa đặt ra vấn đề bức thiết về trang bị kiến thức PCCC nói riêng và kỹ năng ứng phó với thảm họa nói chung cho người dân. “Giá như ngay từ ngày đầu đi học, tất cả người dân Việt Nam đều được huấn luyện những kỹ năng cơ bản nhất cho việc thoát hiểm khi xảy ra động đất, cháy nổ, tai nạn ôtô, đuối nước... thì tốt biết mấy. Rất hy vọng Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ đưa những bài huấn luyện này vào chương trình đào tạo cho học sinh trong thời gian tới như một chương trình giảng dạy bắt buộc!” - anh Phan Văn Minh, một người dân sống ở nhà cao tầng bày tỏ. 

Rất nhiều người dân khi thoát nạn đều thừa nhận là lúc đó chỉ biết lấy vội một số tài sản quan trọng và cùng gia đình chạy, chen lấn. Đa số không biết các kỹ năng thoát hiểm cơ bản như bình tĩnh tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh…; lấy khăn ướt chụp vào mũi để lấy oxy thở hoặc chạy ra ban công hay nằm sát xuống sàn nhà để lấy oxy…