Ngăn chặn bạo lực học đường

Học cách làm người trước khi học chữ

ANTĐ - Trong nhiều bài viết gần đây được đăng tải trên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đã đề cập đến tình trạng trẻ hóa của tội phạm, đặc biệt là những tội phạm còn ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh đánh nhau, sử dụng vũ khí, học sinh phạm tội đã trở thành vấn đề hết sức lo ngại. Điều đó đặt ra cho cả xã hội một câu hỏi lớn là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường?

Thành lập đội an ninh học đường

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Nho Huy, Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông, “Đội an ninh học đường” với nòng cốt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bao gồm cả giáo viên và học sinh, giám thị, bảo vệ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng nhà trường và sự phối hợp của Công an, chính quyền địa phương nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chặn hiệu quả các vụ việc học sinh đánh nhau ở trong trường học và khu vực cổng trường.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống cho học sinh, đặc biệt không để xảy ra tình trạng cán bộ, nhà giáo dùng bạo lực đối với học sinh. Các trường phải chủ động phối hợp, kiến nghị với các địa phương, cơ quan công an trong việc kiểm tra, giải tỏa các hàng quán xung quanh trường học, ký túc xá, nếu thấy có biểu hiệ phức tạp về ANTT, đồng thời phối hợp với các gia đình học sinh nhất là những em có biểu hiện chưa ngoan, hoàn cảnh gia đình đặc biệt dễ dẫn đến hư hỏng.

Tháo gỡ khúc mắc, mâu thuẫn

Kinh nghiệm này đang được Hội liên hiệp phụ nữ TP Hải Phòng áp dụng và thu được những kết quả khả quan. Hải Phòng đang có một hệ thống các câu lạc bộ dành cho lứa tuổi vị thành niên như CLB Bạn gái, CLB Kỹ năng sống khỏe, CLB Tuổi hoa có ở hầu hết các xã phường, địa bàn thành phố. Thông qua các buổi truyền thông tại các câu lạc bộ, các cuộc thi này các em có những sân chơi bổ ích, được chia sẻ với nhau, các anh chị phụ trách, các cô bác lớn tuổi những băn khoăn của tuổi mới lớn, được trang bị những kiến thức xã hội cần thiết. 

Qua đó, các em được rèn luyện kỹ năng sống: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng ứng xử đúng mực trước những tình huống xảy ra trong nhà trường cũng như trong các mối quan hệ với bạn bè, tránh những xung đột, bất hòa có thể gây nên bạo lực học đường. Hiện nay ở Hải Phòng đang duy trì hiệu quả 2.907 tổ phụ nữ cam kết không có chồng con hội viên vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội với hơn 132 nghìn thành viên; triển khai thực hiện hiệu quả đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi. Hiệu quả từ mô hình của Hải Phòng có thể nhân rộng tới các tỉnh thành khác, đồng thời các cơ quan quản lý giáo dục cần nhân rộng mô hình phòng tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường nhằm tư vấn, tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, mâu thuẫn của học sinh nảy sinh trong đời sống.

Xây dựng chặt chẽ 3 môi trường giáo dục

Nhiều vị phụ huynh cho rằng nếu giữa xã hội - nhà trường - gia đình có sự gắn kết với nhau thì tình trạng bạo lực sẽ không bùng nổ như hiện nay. Ông Trần Thanh Sơn, đại diện phụ huynh học sinh trường THPT Trương Định, Hà Nội cho rằng: Hầu hết các em học sinh có hành vi bạo lực đều xuất phát từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Cộng thêm vào đó, sự tác động của xã hội như game online, phim bạo lực, lối sống buông thả của các đối tượng bên ngoài nhà trường.

Vì vậy để bạo lực trong nhà trường giảm cả về nguy cơ và vụ việc, chúng ta cần xây dựng một môi trường xã hội văn minh, tiến bộ lành mạnh, ngăn chặn những văn hóa phẩm ngoài luồng có tác hại đến văn hóa xã hội. Trong nhà trường, các thầy cô cần quan tâm hơn đến học sinh, phối hợp với cha mẹ học sinh, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng cá nhân học sinh để nắn chỉnh những suy nghĩ lệch hướng. Tại gia đình, cha mẹ phải quan tâm đến thời gian biểu của con em mình, sẵn sàng là người bạn gần gũi, chia sẻ nhằm hạn chế các em đến với những đối tượng xấu, hạn chế các em đến với những game bạo lực. Nếu sự phối hợp này thực hiện thành công, chúng ta sẽ có những thế hệ hệ học sinh trong sáng, có đạo đức, vui vẻ, thân thiện và không có bạo lực.

Mặc dù nhiều biện pháp tích cực đã được triển khai nhưng đây thực sự vẫn là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhưng thực tế, ở lứa tuổi học sinh phạm tội, các biện pháp xử lý bằng pháp luật vẫn chưa thực sự mạnh tay. Có nhiều quan điểm cho rằng nếu xử lý hình sự các học sinh phạm tội cùng đồng nghĩa với việc đẩy một học sinh ra ngoài xã hội, các em sẽ mất cơ hội đến trường. Song thực tế, tình trạng bạo lực học đường đã đến mức báo động, cần thiết phải có một biện pháp đặc biệt để xử lý mạnh tay hơn đối với những trường hợp vi phạm, phải có chế tài xử lý nghiêm minh phù hợp với những hành vi bạo lực học đường, bao gồm cả những người có thái độ cổ vũ những hiện tượng bạo lực học đường.

Phải dạy học sinh cách làm người

Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường với những vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua, một phần lỗi lớn thuộc về người lớn. Nhà trường chỉ lo dạy chữ, chạy theo chỉ tiêu lên lớp, thi tốt nghiệp, phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh đỗ đại học mà coi nhẹ thậm chí quên luôn việc dạy làm người, làm công dân. Thầy cô không chú tâm tìm hiểu hoàn cảnh của các em học sinh cá biệt mà chỉ chăm chăm tăng tiết, bắt học sinh thuộc bài, thi đạt điểm cao.

Vì vậy để khắc phục tình trạng bạo lực học đường, theo Thượng tá Trần Thế Hồng, Văn phòng thường trực PCTP và MT, Tổng cục CSPCTP Bộ Công an, người lớn phải là tấm gương cho con cái, nhằm giúp trẻ nhận thức được cách ứng xử những quy tắc trong cuộc sống. Để nâng cao trách nhiệm làm bố, làm mẹ, khi đăng ký kết hôn, các đôi vợ chồng phải học Luật Hôn nhân và gia đình. Về phía nhà trường, cần biên tập cuốn sách về dạy làm người chẳng hạn như cuốn “Tật xấu làm mất tương lai”, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền kiến thức pháp luật để hút học sinh tham gia, thường xuyên bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy công dân những kiến thức về kỹ năng  giáo dục đạo đức vì họ chính là người truyền đạt tốt nhất cho học sinh.  Đối với lực lượng công an phải phối hợp với nhà trường tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường và các khu vực lân cận. Thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ giữa lực lượng công an với nhà trường về các nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự và quản lý học sinh.

Trên thế giới, mỗi năm có 6 triệu trẻ em trai và 4 triệu trẻ em gái có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường, có thể thấy đây đã trở thành vấn đề chung của giáo dục quốc tế. Còn tại Việt Nam theo báo cáo của các sở Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 học sinh. Theo nhận định của các sở thì tình trạng học sinh đánh nhau không tăng nhưng có diễn biến phức tạp, nhiều vụ  học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí dẫn đến chết người và những vụ đánh nhau có nguyên nhân từ học sinh nữ ngày càng nhiều hơn, cho thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức ở một số bộ phận học sinh hiện nay. Điều đó để lại rất nhiều hậu quả như tổn thương về thể xác và tinh thần; tổn hại đến gia đình, bạn bè, người thân người bị hại; tạo sự bất ổn trong xã hội như tâm lý bất an, lo lắng bao trùm từ gia đình, nhà trường đến xã hội.

Học cách làm người đó là một vấn đề rất lớn đòi hỏi không chỉ trong ngành giáo dục và gia đình học sinh phải quan tâm mà nó đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Hình thành nhân cách con người, dạy học sinh ứng xử có văn hóa phụ thuộc vào nền tảng văn hóa của một dân tộc. Hiện văn hóa ứng xử của học sinh đang bị xuống cấp một cách tệ hại, muốn vực dậy được nhân cách học sinh, thì các nhà chức trách cần phải vực dậy tầm văn hóa. Trước khi để xảy ra bạo lực học đường, trước khi cơ quan pháp luật phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, thì điều quan trọng là phải giáo dục học sinh cách ứng xử có văn hóa. Hãy học cách làm người trước khi học chữ.