Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi

ANTD.VN - Đó là nhận định của đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố tại hội nghị “Chuyên đề cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi”, do Cục Cảnh sát PCTP về Môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) chủ trì vào sáng nay 2-6.  

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Cảnh sát dự và chỉ đạo hội nghị.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, báo cáo sơ kết 2 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi cho thấy, tính đến đầu năm 2016 đã có 707 giấy phép thăm dò, 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được 61 tỉnh, thành phố cấp phép.

Hầu hết đều vi phạm

Ngoài ra, từ cuối năm 2013 đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa trên địa bàn 30 tỉnh. Mặc dù có giấy phép khai thác nhưng các tổ chức, cá nhân đều có các vi phạm chủ yếu như: không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường; Không ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; Không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông; Khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hoá đơn, chứng từ đúng theo quy định...

Đặc biệt, tại các khu vực giáp ranh chưa xác định được địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng. Các công ty được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh này lại đứng ra tổ chức cho phương tiện khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa phận khác; Các đơn vị thi công nạo vét luồng lạch lợi dụng giấy phép để khai thác cát ngoài khu vực, vi phạm độ sâu, thực hiện không thực hiện đúng đề án...

Đối với hoạt động khai thác cát trái phép, hiện vẫn diễn ra tại các địa bàn giáp ranh tại một số tỉnh, nhất là các vùng giáp ranh trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, Trà Lý, Đò Lèn, sông Lam, Trà Khúc, sông Hương, sông Hàn ở miền Trung và ở tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu… ở phía Nam.

Trong quá trình hoạt động, các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, sẵn sàng dùng bạo lực đe doạ, tranh giành địa bàn, nhân công và phương tiện để khai thác trái phép và đối phó với các cơ quan chức năng.

Ngoài hoạt động khai thác, theo thống kê trên cả nước, hiện có hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó còn có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát, không được sự cho phép của cấp có thẩm quyền hay chỉ có hợp đồng thuê đất của cấp xã, phường; các bãi chứa đều chất tải quá mức quy định.

“Cát tặc” luôn nóng

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành đều cho rằng, hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép luôn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức tinh vi. Đặc biệt là sau khi các đơn vị được Cục đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cấp phép bị yêu cầu dừng hoạt động đã đẩy giá cát lên cao, việc này cũng khiến cho hoạt động “cát tặc” nóng bỏng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các địa bàn tỉnh, thành phố giáp ranh vẫn chưa thực sự nhịp nhàng nên hiệu quả chưa cao; một số quy định của pháp luật còn có bất cập…

Trong đợt cao điểm, Phòng Cảnh sát Môi trường (CATP Hà Nội) bắt giữ, xử lý hàng chục vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Cảnh sát đã biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường; Công an các địa phương trong cả nước trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trong 2 tháng cao điểm vừa qua.

“Qua báo cáo, hầu hết các đơn vị Công an tỉnh, thành địa phương đều có báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh và có những quyết sách đưa ra với quyết tâm cao trong hoạt động phòng, chống tội phạm khai thác cát, sỏi. Tôi cho rằng, các đơn vị đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của ngành. Nếu nhìn vào con số, kết quả thực hiện trong 2 tháng cao điểm bằng cả nhiều năm cộng lại (chỉ hai tháng mà chiếm tới 50% của nhiều năm), đây là một nỗ lực rất lớn. Đặc biệt trong đó, liên quan đến việc bắt giữ, xử lý  các vi phạm chủ yếu do lực lượng Công an tiến hành”, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên thì những tồn tại, khó khăn vướng mắc cũng đã được Trung tướng Đỗ Kim Tuyến chỉ ra, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng, Công an các tỉnh, thành trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, điều tra cơ bản về diễn biến vi phạm “cát tặc”, sẽ còn rất phức tạp mà chúng ta vẫn chưa chặn đứng được; Những điểm nóng vẫn tồn tại thậm chí diễn ra công khai; Việc xử lý vẫn chưa nghiêm, thậm chí có dấu hiệu của tiêu cực. Có những vụ việc nêu mãi mà chưa được giải quyết. Do vậy, yêu cầu các đơn vị tiếp tục có những tham mưu cho địa phương, ngành đồng thời phối hợp nhịp nhàng hơn nữa để phát huy hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi.