Hoàng Thành Thăng Long: Phát hiện dấu tích sân Đại Triều thời Lý?

ANTĐ - Với hơn 1.000 m2 diện tích khai quật, thêm các dấu tích quan trọng tiếp tục được tìm thấy tại khu vực Chính điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long. Đặc biệt, một hệ thống tạm gọi là “đường nước” quy mô đã được phát hiện (minh chứng sự tồn tại của một công trình bề thế phía trên) và những vật liệu kiến trúc mang đẳng cấp hoàng gia đã khẳng định vị trí trung tâm Cấm thành.

Hoàng Thành Thăng Long: Phát hiện dấu tích sân Đại Triều thời Lý? ảnh 1Hiện vật kim loại màu vàng có gò nổi hình rồng, mang phong cách 
nghệ thuật cuối thời Lý, đầu thời Trần

Nối dài “đường nước” thời Lý

Tiếp nối các đợt khai quật lớn được thực hiện từ năm 2012 tại Khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, hôm qua 16-12, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long đã công bố kết quả khai quật thăm dò tại khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2014. 

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng là phát hiện đường nước thời Lý. Năm 2012, các nhà khoa học đã làm phát lộ đường nước này. Ban đầu đoán định, đây có thể là hệ thống thoát nước chính của Hoàng Thành, song cũng có ý kiến cho rằng, đây là công trình mang tính phong thủy. Đường nước lớn thiết kế bằng gạch vuông, gạch bìa có hai hàng cọc gỗ đóng sát hai bên chống lún. Phần cao nhất còn lại 2m. Phần rộng nhất 2m. Ở lần khai quật năm 2014, với vị trí dịch về phía Đông của Khu di sản, dấu tích đường nước tiếp tục rõ nét và những gì xuất lộ còn gần như nguyên vẹn. 

PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong đợt khai quật năm 2014, các nhà nghiên cứu đã làm rõ 3 dấu tích kiến trúc móng trụ sỏi. Trong đó, có kiến trúc 3 hàng chân cột, lòng nhà rộng 7,2m, với 6 gian 2 chái, men theo dấu tích của đường nước lớn. Bên trong và ngoài các kiến trúc này đều thấy dấu tích sân nền lát gạch vuông. Với phát hiện móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý, có ý kiến suy đoán, phải chăng đây là dấu tích sân Đại Triều thời Lý?

Hoàng Thành Thăng Long: Phát hiện dấu tích sân Đại Triều thời Lý? ảnh 2Dấu tích phát hiện năm 2014

Những điều thú vị về “lần đầu tiên”

Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ học, đây là lần đầu tiên, các cuộc thám sát và khai quật ở Trục trung tâm Hoàng Thành Thăng Long xác định được tầng văn hóa đầy đủ nhất có niên đại kéo dài từ thế kỷ VIII-IX đến thế kỷ XIX-XX. Trong đó, đã bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch và đặc biệt là đường nước lớn. Điều đó có nghĩa, bước đầu đã xác định được một phần không gian Chính điện Kính Thiên ở khu vực Trung tâm như: Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc (hành lang). Đặc biệt, các di tích này đều xác định rõ hai giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau.

Đây cũng là lần đầu tiên tại vị trí Trục trung tâm Hoàng Thành, các nhà khảo cổ tìm thấy hiện vật bằng vàng thời Lý. Theo đoán định ban đầu, hiện vật này dùng để trang trí trên mũ và chắc chắn là của Vua bởi được chạm khắc tinh xảo với hình rồng có mào, thân hình uốn lượn cùng hình ảnh cánh sen cách điệu. GS Hoàng Văn Khoán cho biết, ông rất ấn tượng và thích thú với hiện vật bằng vàng này. Ông cho rằng, hiện vật này có niên đại chớm sang thời Trần. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội sử học Hà Nội, những gì đào được vừa qua đã góp phần nâng cao nhận thức về kinh đô xưa, đồng thời đưa đến hướng tiếp cận mới. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho biết, cần mở rộng diện tích khai quật, bởi ví như Cố đô Nara của Nhật Bản đã nghiên cứu trong 50 năm mà nhận thức về di sản cũng mới chỉ ở mức tương đối. 

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, các phát hiện mới đã cho giới nghiên cứu sử học cái nhìn khác so với 1-2 năm trở lại đây. Nhấn mạnh phát hiện cùng cách gọi “đường nước lớn”, GS Phan Huy Lê cho rằng, đó mới chỉ là giả thuyết cần tiếp tục nghiên cứu. So với 130.000m2 của Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, mỗi năm, chỉ đào 1.000m2 là quá ít. Bản thân di chỉ Hoàng Thành Thăng Long rất phức tạp với nhiều thời đại chồng xếp lên nhau. Vì thế, yêu cầu đặt ra tiếp theo là vừa khai quật, vừa bảo tồn; giữ di tích trên mặt đất và bảo tồn di chỉ dưới lòng đất.

Hoàng Thành Thăng Long: Phát hiện dấu tích sân Đại Triều thời Lý? ảnh 3Dấu tích đường nước phát hiện năm 2012

Năm 2012, khi lần đầu tiên phát hiện đường nước, đã có nhiều ý kiến trái triều về công năng sử dụng. Có người cho rằng, đường nước này đơn giản là hệ thống thoát nước, ý kiến khác nói là bể nước với kiến trúc mái phía trên. Cũng có nhà khoa học nhận định đây là ao hoặc hào nước hoặc đường hầm thoát hiểm, công trình phong thủy…